Bảo tồn - Bảo Tàng

Chung riêng văn hóa Thăng Long – xứ Đoài

Trong lịch sử, mỗi lần thay đổi địa giới hành chính, phạm vi của các vùng văn hóa ít nhiều biến động theo. Khi hợp nhất Hà Nội – Hà Tây, đã có không ít băn khoăn về bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Thăng Long trong sự song hành với văn […]

Trong lịch sử, mỗi lần thay đổi địa giới hành chính, phạm vi của các vùng văn hóa ít nhiều biến động theo. Khi hợp nhất Hà Nội – Hà Tây, đã có không ít băn khoăn về bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Thăng Long trong sự song hành với văn hóa xứ Ðoài. Song thực tế sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cho thấy, quá trình hợp lưu hai dòng văn hóa lớn đã làm giàu thêm bản sắc của văn hóa Thủ đô.

Hội làng Triều Khúc huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
Hòa nhập mà không hòa tan
10 năm với văn hóa là không dài để cảm nhận được sự thay đổi, đặc biệt là vùng truyền thống lâu đời 1.000 năm như Thăng Long – Hà Nội, rồi Hà Tây, Mê Linh cũng là vùng văn hóa ngàn năm. Hà Nội bây giờ trong phần cũ và phần mở rộng có sự tương đồng rõ nét, đó là văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng. Sự hợp nhất của 2 vùng đã giúp Hà Nội giàu lên trong kho tàng văn hóa. Nếu như cả nước có 4 tứ bất tử, thì Hà Nội đã có 3 vị là Phù Đổng Thiên Vương (Sóc Sơn), Tản Viên (Ba Vì) và Chử Đồng Tử (Gia Lâm).
Nhiều thế kỷ trước, ở kinh thành Thăng Long đã có sự hiện diện của những làng nghề nổi tiếng xứ Đoài – Sơn Nam thượng như: Phố Hàng Khay do dân làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ lập ra; phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), phố Hàng Thêu (nay là ngõ Yên Thái) do dân làng Quất Động lập nên; rồi phố Thợ Tiện (nay là phố Tố Tịch) là do cư dân của làng mộc – múa rối Chàng Sơn, Hữu Bằng và làng tiện gỗ Nhị Khê tạo dựng. Chưa kể các làng nghề như: Vạn Phúc, Cổ Đô, dân “Bảy La – Ba Mỗ” (Mỗ, La, Canh, Cót – “tứ danh hương”) xưa đều thuộc xứ Đoài, chuyên cung cấp lụa cho phố Hàng Gai, Hàng Đào – phố tơ lụa nổi tiếng Kinh kỳ.
Đến lịch sử hiện đại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hồ Chủ tịch viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng ở trên mảnh đất Hà Tây. Rồi rất nhiều mối tương đồng về văn hóa lịch sử của 2 mảnh đất này. Hai vùng văn hóa lớn, cùng có bề dày khi hội nhập vào, không tạo ra cú sốc, sự vênh về văn hóa, nên cũng không kéo theo cú sốc khác về kinh tế và xã hội. 10 năm sau khi hợp nhất, văn hóa không thể hiện sự biến đổi không theo ý muốn. Xứ Đoài vẫn vậy, Thăng Long vẫn vậy. Nét đặc sắc của văn hóa mỗi vùng vẫn giữ được như xưa, có sự hòa nhập nhưng không hòa tan.
Sau khi hợp nhất, phân tích kỹ lưỡng thì cũng thừa nhận sự thay đổi nhất định, về môi trường và cảnh quan văn hóa. Đường làng ngõ xóm có sự “thay da đổi thịt”. Huyện Mê Linh điện đường sáng trưng, khác biệt với sự u sầu của thời kỳ trước. Kinh tế quyết định sự đổi thay của văn hóa. Hoạt động văn hóa phong phú sôi nổi hơn. Đồng thời văn hóa hội nhập ở vùng trung tâm tạo nên số lượng, chất lượng các hoạt động văn hóa đều nâng lên so với trước. Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đem lại nhiều lợi thế.
Nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Ðại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 21A, 21B được xây mới, cải tạo khang trang, nhiều tuyến xe buýt được kết nối, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn trước rất nhiều. Nhờ thế, từ trung tâm TP, chỉ đi hơn một giờ đồng hồ là có thể đến thăm làng cổ Ðường Lâm, hay những quần thể di tích ở huyện Ba Vì… Những tiềm năng du lịch văn hóa của xứ Ðoài dần được “đánh thức”. Ngược lại, người dân xứ Đoài có điều kiện thuận lợi hơn để đến với các di sản văn hóa Thăng Long.

 

 

Tránh bất cập trong quản lý
Tuy nhiên, sau khi hợp nhất, Hà Nội có địa bàn rộng lớn, đồng nghĩa với việc số lượng di sản cũng lớn theo, đặc biệt là những di sản có giá trị đặc biệt của Việt Nam, cả vật thể và phi vật thể. 2 địa bàn hành chính sau khi hợp nhất đã có độ “vênh” về cung cách quản lý. Đặc biệt là trình độ năng lực của các đơn vị cũng như cá nhân ngành văn hóa chưa đáp ứng được so với bề dày của di sản nghìn năm. Chính vì vậy, những sự vụ hạ giải chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) làm đơn xin trả lại danh hiệu… là bài học trong công tác quản lý.

Vì số lượng lớn nên đầu tư cho văn hóa bị dàn trải, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, như sự lên tiếng của các nhà khoa học về trường hợp phá vỡ cảnh quan di sản ở Cổ Loa (Đông Anh) là một điển hình.
Sau khi hợp nhất, quá trình đô thị hóa “quá nóng”, đặc biệt các vùng ngoại thành, dẫn tới cú sốc cục bộ về văn hóa. Đất để canh tác được sử dụng vào phát triển đô thị, cư dân nông nghiệp được đền bù nguồn tiền lớn, nhưng đồng nghĩa với việc mất đất. Quản trị đồng tiền không hợp lý dẫn đến những hệ lụy về tệ nạn xã hội. Hơn nữa, nhiều lễ hội gắn với nông nghiệp nay cũng phai nhạt. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có chiến lược an sinh xã hội, chiến lược bảo tồn các di sản văn hóa trong đời sống, để ngăn cản hay hạn chế cú sốc về văn hóa ở vùng đô thị hóa.
Văn hóa luôn chịu ảnh hưởng của tình hình chính trị kinh tế và xã hội. Nhìn về mặt tổng quan, sau khi hợp nhất, văn hóa đón nhận sự biến đổi cả tích cực và tiêu cực, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ những người làm văn hóa từ cơ sở đến TP. Tranh thủ trí tuệ của giới trí thức trên địa bàn Thủ đô để quan tâm phát huy, làn tỏa nền văn hóa vùng trung tâm. Vùng đô thị hóa phải được quản lý chặt chẽ để chấm dứt dự án “treo” phản cảm về văn hóa.
Dành nguồn đầu tư ngân sách tương xứng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của Thủ đô. Và Hà Nội phải xác định là địa phương luôn sáng tạo đi đầu trong văn hóa đặc biệt là hoạt động văn hóa trong thời đại hiện đại, phải tìm cách để hoạt động văn hóa không làm mất đi bản sắc của vùng văn hóa nghìn năm nhưng đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới, công nghệ mới của thời kỳ 4.0.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị

Theo Theo Kinh tế đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *