Văn hóa cơ sở

Chung tay giữ giá trị cộng đồng

Nhóm kiến trúc sư trao đổi thông tin về dự án Hỗ trợ HTX Lùng Tám với các bạn trẻ. Một nhóm kiến trúc sư trẻ ở Hà Nội đang triển khai dự án hỗ trợ những người phụ nữ người dân tộc Mông là xã viên Hợp tác xã Lùng Tám (HTX Lùng Tám) […]

Nhóm kiến trúc sư trao đổi thông tin về dự án Hỗ trợ HTX Lùng Tám với các bạn trẻ.

Một nhóm kiến trúc sư trẻ ở Hà Nội đang triển khai dự án hỗ trợ những người phụ nữ người dân tộc Mông là xã viên Hợp tác xã Lùng Tám (HTX Lùng Tám) theo phương pháp “cộng đồng cùng kiến tạo”, với mong muốn cơ sở mới giúp họ duy trì, phát triển những giá trị truyền thống quý giá.

Giữa những ngày hè, một nhóm kiến trúc sư trẻ từ Hà Nội đến với những người dân xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Trong ngôi nhà rộng vách gỗ, chung quanh chăng đầy sợi lanh và sản phẩm thổ cẩm đang làm dở, nhóm kiến trúc sư trẻ cùng các thành viên HTX Lùng Tám đã có cuộc gặp gỡ thân tình, ngập tràn tiếng cười. Họ cùng nói chuyện về tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc Mông; ước mong, tâm nguyện của những người phụ nữ nơi đây. Từ sự thấu hiểu đó, hình thành ý tưởng cho các kiến trúc sư thiết kế một công trình kiến trúc bền vững, có giá trị với cộng đồng tại Lùng Tám.

16 năm trước, cô Vàng Thị Mai cùng bốn phụ nữ ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám đã thành lập HTX Dệt lanh và Thổ cẩm Lùng Tám. Khởi đầu thật không mấy dễ dàng, khi người phụ nữ người dân tộc Mông phải vượt qua những rào cản về văn hóa và tập quán truyền thống để làm kinh tế. Trải qua nhiều khó khăn, những người phụ nữ trong HTX vẫn tha thiết, gắn bó với nghề. Đến nay HTX quy tụ được 130 xã viên chính thức (trong đó có một xã viên nam); tiếp tục duy trì nghề truyền thống, đem lại thu nhập cho các gia đình từ những sợi lanh thô sơ. Nhóm kiến trúc sư trẻ đã triển khai dự án Hỗ trợ HTX Dệt may Lùng Tám.

Thực tế, không ít công trình kiến trúc sau khi xây dựng không phù hợp với cộng đồng, không được cộng đồng đón nhận, thậm chí phải bỏ hoang. Do đó, dự án này được nhóm kiến trúc sư triển khai theo phương pháp “cộng đồng cùng kiến tạo”. Nhóm thiết kế phối hợp người dân đưa ra những ý tưởng; tìm hiểu nhu cầu, thói quen của người dân địa phương để tạo nên không gian sinh hoạt cho chính họ. Từ học hỏi, thẩm định, nhóm sẽ thử nghiệm kiến tạo, thiết kế rồi mới thi công xây dựng.

Tham gia nhóm còn có anh A.E.Phu-run, Thạc sĩ ngành Kiến trúc của Trường đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy. Anh là một trong ba nhà sáng lập nhóm WORKSHOP (www.wrkshp.org), nghiên cứu khả năng gắn kết cộng đồng qua các quá trình sáng tạo trong thiết kế và xây dựng các công trình. Anh Phu-run cho biết, việc cùng thiết kế ngôi nhà là điều kiện để mỗi xã viên chủ động nắm bắt quá trình và kết quả của công việc thiết kế, tạo thuận lợi cho việc bảo trì, quản lý ngôi nhà trong tương lai; giúp người dân tự tin và tự hào hơn trong vai trò là những người đồng thiết kế lên ngôi nhà. Thông qua quá trình triển khai dự án, các kiến trúc sư trẻ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Kiến trúc sư Lê Huyền, thành viên nhóm cho rằng, công trường chính là không gian để học hỏi, là nơi trao đổi kiến thức. Mỗi dự án là bước khởi đầu của một quá trình dài hơn để mỗi cộng đồng sử dụng, biến đổi và duy trì công trình theo nhu cầu riêng của họ.

Sắp tới, nhóm sẽ phối hợp cộng đồng bảo trì và phát triển HTX, nâng cấp đưa xã Lùng Tám thành một “điểm xanh” với hệ thống điện năng lượng mặt trời và hệ thống lọc nước sạch. Nhóm cũng sẽ cùng cộng đồng nghiên cứu tiềm năng phát triển của địa phương, nhất là mô hình du lịch cộng đồng trang bị kỹ năng về ngoại ngữ, thiết kế sản phẩm cho người dân nhằm thu hút thêm nhiều du khách đến với Lùng Tám cũng như đưa những sản phẩm của HTX Lùng Tám ra thị trường.

Bạn Nguyễn Huyền Châu, điều phối viên của dự án chia sẻ: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để tạo nên những kỳ vọng và giá trị của cộng đồng trong thiết kế và xây dựng. Đồng thời, học hỏi bề dày kiến thức của họ trong kỹ thuật dệt lanh và vẽ sáp ong, cách họ sử dụng nguyên liệu tự nhiên, vận dụng kỹ năng và nguồn lực địa phương để tạo nên những giá trị ý nghĩa.

Theo Báo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *