Nếp Sống văn hoá

Cơ hội cho cả hai giới

Bình đẳng giới là làm sao cho quyền và sự chuyên biệt giới của nam và nữ có điều kiện phát huy hiệu quả cao nhất. Đừng lấy tâm lý, quan niệm để khẳng định chỉ có nam giới (hoặc nữ giới) được làm việc này mà không nên làm việc kia. Đó là khuyến […]

Bình đẳng giới là làm sao cho quyền và sự chuyên biệt giới của nam và nữ có điều kiện phát huy hiệu quả cao nhất. Đừng lấy tâm lý, quan niệm để khẳng định chỉ có nam giới (hoặc nữ giới) được làm việc này mà không nên làm việc kia. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo Tham vấn về kế hoạch tổ chức, chủ đề và những ưu tiên của Diễn đàn phụ nữ và kinh tế APEC 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Nam giới cũng bị áp lực

Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, bình đẳng giới phải nhằm tạo điều kiện cho cả hai giới cơ hội như nhau để phát triển, được nhìn nhận và đối xử công bằng, không phân biệt. Và bình đẳng giới không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng nam giới. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị ảnh hưởng theo.

Nguồn: ITN

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bất bình đẳng giới không chỉ tước đi cơ hội, quyền của phụ nữ mà cũng tạo nên những áp lực cho nam giới khi phải đối mặt với những khủng hoảng trong các vấn đề sức khỏe và các hành vi nguy cơ. Nam giới thường được kỳ vọng gắn với vai trò trụ cột gia đình… nên họ phải phấn đấu để đạt được yếu tố hình mẫu này. Vì thế, nam giới Việt Nam có ít tiến bộ trong kiểm soát bệnh tật, thương vong và các yếu tố nguy cơ hơn so với phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, ngay cả hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa hiện nay vẫn thể hiện sự bất bình đẳng giới theo hướng phụ nữ gắn liền với những công việc như nội trợ, lao động đồng áng, bán hàng, trồng trọt… Trong khi đó, nam giới lại được minh họa gắn liền với hoạt động khoa học kỹ thuật, kỹ sư, bác sĩ, phi công… Thực hiện bình đẳng giới chính là làm sao cho quyền và sự chuyên biệt giới của nam và nữ có điều kiện phát huy hiệu quả cao nhất. Đừng lấy tâm lý, quan niệm để khẳng định chỉ có nam giới (hoặc nữ giới) được làm việc này mà không nên làm việc kia.

Khi giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giới sẽ tạo cơ hội, trao quyền cho phụ nữ nhưng đồng thời cũng giảm những áp lực mang tính khuôn mẫu về giới cho nam giới. Nếu đưa nam giới vào các chương trình tuyên truyền về bình đẳng giới sẽ giúp họ nhận ra bình đẳng giới cũng liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của họ, từ đó thu hút họ tham gia vào các vấn đề về bình đẳng giới nhiều hơn.

Thu hẹp khoảng cách

Việt Nam là một trong số ít các nước có riêng một đạo luật về bình đẳng giới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc bảo đảm bình đẳng giới. Tuy nhiên, cách tiếp cận phụ nữ là trung tâm của các chương trình giới trong khi nam giới bị “bỏ quên”… như vừa qua đã khiến nam giới thường cảm thấy xa lạ và đôi khi đối đầu với các hoạt động ủng hộ giới.

Vì thế, tại Hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, cần nhìn nhận vai trò của nam giới trong bình đẳng giới không chỉ là một phần của vấn đề mà còn là một phần của giải pháp. Sẽ không thể đạt được bình đẳng giới nếu nam giới từ chối chia sẻ trách nhiệm trong các công việc nhà, chiếm ưu thế trong việc ra quyết định ở cả cấp độ xã hội và gia đình, và vẫn có hành vi bạo lực với người phụ nữ của mình. Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, nếu một cậu bé thấy người cha của mình đối xử với chị gái và mẹ của nó một cách tôn trọng, nó sẽ học theo và hành xử giống như vậy. Ngược lại, nếu thấy cha mình đánh đập mẹ mình thì xác suất cao hơn là cậu bé đó sẽ học theo những hành vi bạo lực của cha mình với những người phụ nữ khác. Vì vậy, nếu bình đẳng giới không giải quyết được vấn đề gốc rễ là nam giới sẽ dẫn đến nhiều dự án chỉ là những dự án dành cho nữ.

Các cuộc nghiên cứu về nam giới rất cần thiết để xây dựng các chính sách can thiệp tổng thể nhằm thúc đẩy các hành vi và thái độ tích cực của nam giới, góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới và hạnh phúc của cả nam giới và phụ nữ.

Báo Đại Biểu HĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *