Chưa được phân loại

‘Công binh, đêm dài Đông Dương’ – những trang sử giấu kín

Qua bộ phim, lần đầu tiên người Việt Nam đương đại được hiểu chi tiết hơn về một chương sử đau thương về thân phận của 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh trước Thế chiến thứ II. Trước Thế chiến thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân […]

Trước Thế chiến thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân động viên, cưỡng bức 20.000 thanh niên Việt Nam sang Pháp thay thế công nhân trong các xưởng sản xuất vũ khí phải ra trận chống phát xít Đức.
Bị hiểu lầm là lính đánh thuê nên họ đã bị quân đội Hít-le hành hạ và bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ. Những lính thợ Việt đã phải sống một cuộc sống đày ải, bi thảm trên đất Pháp dưới sự thống trị của quân phát xít Đức. Họ chính là người đầu tiên trồng lúa, làm ra những hạt gạo ở Cà Mạc (Carmague) miền Nam nước Pháp.
Sống trên đất Pháp giữa chế độ thực dân mà lòng họ vẫn luôn nhớ về Việt Nam, họ góp công, góp sức ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy một số người trong họ khi về nước đã bị hiểu lầm là kẻ phản Quốc vì từng làm việc cho nước Pháp.
Một trang lịch sử oan ức, đau thương của những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp trong Thế chiến thứ hai đã lùi vào dĩ vãng và đã từng bị xã hội lãng quên.

Trang sử đó đã được nhà báo Pierre Daum ghi lại trong cuốn sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) và được đạo diễn Lê Lâm thực hiện bộ phim tài liệu điện ảnh dài 116 phút Công binh, đêm dài Đông Dương (dựa theo cuốn sách), công chiếu lần đầu tại Pháp năm 2013.

Lính thợ Đông Dương ở Pháp ra mắt năm 2009, sách gây tiếng vang ở Pháp, được tái bản nhiều lần. Nhiều địa phương của Pháp đã tổ chức lễ tôn vinh những cựu lính thợ người Việt. Đến năm 2014, cuốn sách được NXB Tri Thức phát hành tại Việt Nam với bản dịch của Trần Hữu Khánh.

Poster cça bÙ phim

Trong quá trình thực hiện bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương, đạo diễn Lê Lâm đã trở về Việt Nam nhiều lần để gặp gỡ các nhân chứng là những thanh niên bị chính quyền thuộc địa cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ. 50 năm sống và làm việc ở nước ngoài đã giúp đạo diễn Lê Lâm đồng cảm hơn với những nhân chứng trong phim và qua đó phần nào khắc họa một cách chân thực những cảm xúc, những nỗi đau đã theo chân họ từ 70 năm nay.

Đạo diễn đã ghi lại lời của 20 nhân chứng trong số 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh. Khoảng thời gian  làm lính thợ đầy gian khổ  này, họ phải làm việc trong những xưởng chế tạo súng ống, đạn dược, thay thế cho những công nhân Pháp đang cầm súng ra trận. Những công binh Việt Nam không được trả lương bổng, mà còn bị kẹt tại Pháp trong 12 năm trời, không được về nước. Cuộc gặp gỡ của đạo diễn Lê Lâm với những nhân chứng được ông coi như tâm sự của người con với người cha, giúp họ chia sẻ những câu chuyện của quá khứ chưa một lần được lắng nghe.

Để đưa khán giả đến với giai đoạn lịch sử mà lâu nay đã bị lãng quên, đạo diễn Lê Lâm đã sử dụng nghệ thuật múa rối nước của Viêt Nam. Đó không chỉ là sự sáng tạo trong việc dẫn dắt người xem đến với bộ phim mà nó còn thể hiện việc đạo diễn ẩn dụ 20.000 công binh là những con rối bị chính quyền thực dân cưỡng ép sang Pháp làm lính thợ.

Với Công binh, đêm dài Đông Dương, lần đầu tiên người Việt Nam đương đại được hiểu chi tiết hơn về một chương sử đau thương về thân phận của 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh trước Thế chiến thứ II. Số phận 20.000 con người đã bị thay đổi vĩnh viễn khi họ bị đưa đến một đất nước xa xôi, lao động như những nô lệ. Khi thế chiến đi qua, rất ít người có thể trở về quê hương bởi bao nghi kị, hiểu lầm

Những gì khán giả được biết trên truyền hình như: những người lính thợ này chính là người đầu tiên trồng lúa, làm ra những hạt gạo ở Cà Mạc (Carmague) miền Nam nước Pháp, chỉ là một phần rất nhỏ trong phần lịch sử bị lãng quên.

Tháng 6 năm ngoái, khi bộ phim được chiếu ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, đã xuất hiện nhiều con cháu của những người công binh năm xưa tới trò chuyện với đạo diễn. Họ đã chia sẻ những phần đời mà có lẽ, không sử sách nào ghi lại. Không chỉ người đi là những công binh sống một cuộc đời khổ sở, mà những người ở lại là cha mẹ, vợ con của họ cũng phải chịu một cuộc sống đầy oan ức vì trong thời chiến bị mang tiếng có người nhà đi làm tay sai cho Tây.

Đạo diễn Lê Lâm đã tiến hành làm bộ phim này khi các nhân chứng vẫn còn sống. Thời điểm ông làm phim, những người công binh năm xưa đều đã ngoài 80 – 90 tuổi, đến khi ông làm phim xong, nhiều người đã qua đời. Do đó, có thể coi bộ phim là những tư liệu lịch sử rất giá trị.

Bộ phim “Công Binh, đêm dài Đông Dương” có đề tài liên quan tới Việt Nam và thời thuộc địa, một đề tài mà phía Pháp không muốn nêu lên, vì vậy rất khó để tìm nguồn tài trợ. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn có được tài trợ của các hội đồng cấp vùng và của Cục điện ảnh quốc gia Pháp mặc dù số kinh phí này rất ít ỏi, chỉ bằng một nửa so với dự tính. Với mức kinh phí hạn hẹp, đoàn làm phim của đạo diễn Lê Lâm chỉ có 4 người. Ông quay phim chỉ với 2 máy quay nhưng chính nhờ vậy không khí mới gần gũi nên các nhân chứng mới không ngần ngại khi tâm sự câu chuyện của đời mình với đạo diễn.

Trong chuyến về Việt Nam lần này, đạo diễn Lê Lâm tiếp tục chiếu giới thiệu bộ phim tại Salon điện ảnh Cà phê thứ bảy, số 3A Ngô Quyền, Hà Nội, vào 19h30 tối 23-4. Sau buổi chiếu sẽ có cuộc trao đổi giữa đạo diễn với khán giả, chủ trì cuộc trò chuyện là nhạc sĩ Dương Thụ.

Đạo diễn, biên kịch và giám đốc nghệ thuật Lê Lâm sinh năm 1948 ở Hải Phòng. Năm 1966, Lê Lâm du học tại Trường Bách khoa Polytechnique và Trường cao đẳng Kỹ sư Paris. Ông còn học và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris. Sau này ông hoạt động với tư cách đạo diễn, biên kịch.

Ông từng nhận Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học (Chevalier des Arts et des Lettres) do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng năm 1986. Những bộ phim ông đã thực hiện: Đế chế tan vụn (1983), Long vân khánh hội (1980), Công binh, đêm dài Đông Dương (2012), 20 đêm và một ngày mưa (2006).

Công binh, đêm dài Đông Dương (2012) đã đoạt giải thưởng Liên hoan phim sử học quốc tế Pessac 2012, giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Amiens 2012, giải thưởng Liên hoan phim Việt Film Fest Anaheim 2014, California. Đề cử chính thức Liên hoan phim quốc tế Amsterdam 2012, Hong Kong 2013, Alger 2013…

T.P

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *