Thế thao thành tích cao

Cung thủ Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Chỉ cần 2 năm… có ngay vé dự Olympic

VĐV Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt cùng đồng đội Nguyễn Hoàng Phi Vũ đã viết nên trang sử mới về thành tích của thể thao nước nhà tại sân chơi mang tầm châu lục, khi lần đầu tiên đưa bắn cung Việt Nam giành vé tham dự Olympic.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt đến với thể thao bắt đầu từ đội bóng rổ nữ trẻ của Hà Nội sau khi được Phó Trưởng bộ môn Bóng chuyền – Bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội) Đào Văn Kiên tuyển chọn vào tháng 7/2016. Thế nhưng, với chiều cao 1m65 của Ánh Nguyệt có thể không quá lý tưởng với môn bóng rổ nên các HLV đã khuyên cô gái người Văn Lâm, Hưng Yên chọn lựa môn thể thao phù hợp khác.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt đến với bóng rổ…nhưng thành công với môn bắn cung.

Lúc đó, các HLV Bóng rổ của Hà Nội đưa gợi ý Ánh Nguyệt chọn một trong ba môn ‘bắn súng, bắn cung, đấu kiếm’. Trong cả ba môn này Ánh Nguyệt chỉ biết mỗi bắn súng, nhưng chẳng hiểu sao cô gái sinh năm 2001 lại chọn môn bắn cung.
Chọn bắn cung mà bản thân Ánh Nguyệt lại hoàn toàn lạ lẫm về môn này, nhưng khi bước vào tập, với bản tính nhanh nhẹn vốn có, được các thầy cô nhận xét tiếp thu nhanh nên cô đã được đẩy nhanh quá trình tập luyện. Và chỉ mất khoảng 4-6 tháng Ánh Nguyệt đã đuổi kịp được những VĐV lứa trước mình.
Để có sự tiến bộ nhanh như vậy, ngoài những giờ tập luyệt vất vả Ánh Nguyệt còn phải tự mày mò học hỏi trên mạng. “Khi bước vào tập luyện, em bắt đầu tìm hiểu về bắn cung nhiều hơn, chăm chỉ học hỏi bằng cách xem các VĐV nước ngoài trên thi đấu và tập luyện trên mạng internet. Dần dần, trong quá trình tập luyện, em cảm thấy thích và thú vị với môn bắn cung. Khi mỗi một mũi tên được bắn ra, một cảm nhận của mình khác nhau và khi đã có cảm giác rồi thì khi bắn mũi tên đến đích sẽ chính xác hơn”, Ánh Nguyệt chia sẻ.

Ánh Nguyệt là trường hợp hiếm của làng thể thao nước nhà.

Một VĐV đến với môn bắn cung, phải mất từ 4-6 tháng mới được bắt đầu kéo cung và tập bắn. Trước đó, các VĐV chỉ được tập luyện tay không và kéo dây chun. Khi mới bắt đầu tập bắn, bản thân Ánh Nguyệt từng bị dây cung dập vào tay làm tím da. Hay có VĐV không may còn bị dây cung dập vào làm mất một miếng da tay.
Khi tập luyện, mỗi ngày các cung thủ phải bắn ít nhất 400 lần, không kể những lần giương cung để tập kỹ thuật. Những ngày oi nóng, rét mướt đều phải tập ngoài trời khiến mỗi cung thủ phải có sức chịu đựng cũng như “độ lì”, độ kiên nhẫn để làm chủ đường bắn, thích nghi với tốc độ gió… Nên khi thấy mình yếu ở đâu, các VĐV phải tự tập thêm ở đó.
Với sự khổ luyện cùng tài năng, chỉ sau gần hai năm tập luyện cung thủ Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã xuất sắc vượt qua vòng loại với tấm HCĐ tại giải châu Á hồi tháng 11/2019, qua đó giành tấm vé tham dự Thế vận hội Tokyo 2020. Tiếp nối thành công đó, Ánh Nguyệt cùng các đàn chị Lộc Thị Đào và Nguyễn Thị Phương xuất sắc giành tấm HCV SEA Games 30 nội dung đồng đội nữ cung một dây.

Ánh Nguyệt (ngoài cùng, bên phải) thi đấu thành công tại SEA Games 30.

Thành công đến sớm khiến chính Ánh Nguyệt không ngờ. Tuy nhiên, để có được một vận động viên tài năng như Ánh Nguyệt, không thể không kể đến sự đầu tư quyết liệt từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội. Theo Giám đốc Trung tâm Đào Quốc Thắng, ngay sau Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, Trung tâm đã giao các bộ môn chọn lọc những vận động viên trẻ có khả năng đạt thành tích tốt trong tương lai, vươn xa đến tầm châu lục và thế giới. Với tài năng của mình, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã được bộ môn bắn cung Hà Nội đã tiến cử cùng một số trụ cột khác được đi tập huấn tại Hàn Quốc – nền bắn cung hàng đầu thế giới.
Chuẩn bị cho Olympic Tokyo, hiện Ánh Nguyệt vẫn đang duy trì sự luyện tập và thi đấu ở trong nước. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, không đi tập huấn được ở nước ngoài, Ánh Nguyệt luôn tích cực luyện tập thêm giờ, rút ngắn các kỳ nghỉ nhằm giữ phong độ để sẵn sàng xung trận. Chính vì thế, tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020, Ánh Nguyệt đã giành tới 6 HCV, trở thành cung thủ duy nhất của giải phá kỷ lục quốc gia tại nội dung toàn năng cung 1 dây nữ.
Khi nói về cung thủ Ánh Nguyệt, giới chuyên môn đều có chung nhận xét rằng, đây là trường hợp hiếm của làng thể thao nước nhà. Có nhiều tuyển thủ phải mất vài năm, có VĐV mất cả chục năm, nhưng với Ánh Nguyệt, cô chỉ mất gần hai năm tập luyện đã có thể cầm tấm vé chính thức đến Olympic Tokyo 2020.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt được vinh danh top 10 gương mặt Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu 2020.

Với những thành tích ấn tượng của mình cùng sự chăm chỉ, vươn lên trong tập luyện Ánh Nguyệt đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Năm 2019, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc giành HCV tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30; Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30; Hội LHPN Hà Nội tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc đạt HCV tại SEA Games 30; HCB Giải Cúp châu Á 2020; Top 3 VĐV trẻ của năm xuất sắc tại Cúp Chiến thắng 2019; tuyên dương top 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu xuất sắc năm 2020. Cùng với đó, nhờ thành tích giành vé đến Olymic Tokyo, Ánh Nguyệt cũng vinh dự được đứng trong top 10 sự kiện, hoạt động văn hóa và thể thao Thủ đô tiêu biểu năm 2020 do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội bình chọn.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt
Sinh năm 2001 tại Hưng Yên.
Năm 2016, gia nhập Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, tập luyện bóng rổ.
Năm 2017, chuyển sang tập bắn cung.
Thành tích nổi bật: HCĐ châu Á 2019 cung 1 dây kèm vé dự Olympic Tokyo; HCV đồng đội nữ cung 1 dây SEA Games 30.

Nguyên An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *