Văn hóa

Đặc sắc rối nước chàng sơn

Múa rối nước là loại hình văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc bộ. Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, mỗi màn diễn rối nước  mang đến cho người xem hơi thở cuộc sống. Ở Chàng Sơn (Thạch Thất), phường rối nước vẫn lưu giữ và bảo tồn […]

Múa rối nước là loại hình văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc bộ. Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, mỗi màn diễn rối nước  mang đến cho người xem hơi thở cuộc sống. Ở Chàng Sơn (Thạch Thất), phường rối nước vẫn lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn những giá trị đặc sắc của nghệ thuật rối nước dân gian.

Chàng Sơn – mảnh đất nổi tiếng với nghề mộc truyền thống, sản phẩm của làng từ lâu đã theo chân khách hàng đi khắp mọi miền quê. Với bàn tay tài hoa, những người thợ làng Chàng có tài dựng đình chùa chỉ với đố, mộng mà không cần đến một cái đinh. Chính sự vững chắc tay nghề người thợ giúp nghề múa rối nước của quê hương cũng tồn tại theo thời gian. Có những nghệ nhân đã bước sang tuổi xưa nay hiếm như ông Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Văn Tân vẫn mải mê sáng tạo và gìn giữ rối. Rối Chàng Sơn có đến vài trăm tuổi thì những con rối cũng có mặt quãng chừng ấy năm. Không ai nhớ đây là đời thứ mấy của những quân trò này, chỉ biết nó luôn được tạo ra từ khuôn mẫu cũ và sự sáng tạo của người thợ trong làng. Ông Nguyễn Văn Dậu – Trưởng phường rối nước Chàng Sơn cho biết, phường rối còn khoảng 20 người tham gia, lưu giữ được 22 tích trò. Niềm động viên lớn nhất đối với phường rối là đã có lớp trẻ như anh Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Công đang tiếp nối, trao truyền. Các anh không chỉ là những tay thợ lành nghề trong nghề mộc của làng, mà còn say sưa diễn rối và đam mê sáng tạo quân rối. Dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân, những con rối vô tri bỗng trở thành nhân vật có tính cách, tâm hồn, chuyển tải những câu chuyện đời thường xưa nay. Ấy là những người nông dân hai sương một nắng, tay cấy tay cày luôn yêu đời, yêu cuộc sống được gửi gắm qua các tích trò: Quay tơ dệt cửi, Múa tiên, Câu ếch, Cày bừa, Rắn bắt chuột, Xay lúa giã gạo… Ấy là không khí tưng bừng, náo nhiệt của hội làng ngày xuân được lồng ghép tinh tế qua: Bật cờ, Đánh đu, Rối leo cột…Ấy là khí thế hào hùng của Hai Bà Trưng dẫn quân ra trận…Mỗi lần tổ chức biểu diễn rối nước, làng Chàng luôn thu hút đông đảo du khách đến xem. Được sự tài trợ của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) và Quỹ văn hóa Việt Nam – Thụy Điển, xã Chàng Sơn đã xây dựng  được nhà Thủy đình kiên cố và Thuỷ đình cơ động. Cùng với sự đóng góp của nhân dân địa phương, xã Chàng Sơn đã đầu tư kinh phí gần 1 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ao gạch phục vụ múa rối nước.

Nét đặc trưng của rối nước Chàng Sơn là múa rối bằng dây, còn phường rối khác sử dụng sào kéo. Chính cách múa này có thể đưa quân rối đi xa hàng chục mét, đến gần khán giả hơn. Vì thế, nó đòi hỏi người điều khiển quân rối phải là người có tài năng, khéo léo và duyên với nghề, sao cho mỗi cử động tay của người biểu diễn có thể tạo ra sự chuyển động phức tạp, chính xác và sống động của con rối…Những năm gần đây, Chàng Sơn đã trở thành điểm đến của khách du lịch khi đến Hà Nội. Đây là tín hiệu đáng mừng cho phường rối, khuyến khích nghệ nhân gắn bó và yêu nghệ thuật rối nước nhiều hơn. Phường rối Chàng Sơn không chỉ biểu diễn phục vụ bà con trong vùng mà còn tham gia các sự kiện lớn như: Festival Huế 2004 (đạt 4 giải trong số 9 tích trò biểu diễn). Năm 2006, rối Chàng Sơn đạt giải B tại cuộc thi “Sáng tác tiết mục mới về đề tài đương đại cho loại hình nghệ thuật múa rối nước” do Quỹ Văn hóa Việt Nam – Thụy Điển tổ chức…Ngày 18/3 vừa qua, phường rối Chàng Sơn tham gia Liên hoan Nghệ thuật múa rối nước Hà Nội lần thứ nhất do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức tại Thủy đình Đào Thục (Đông Anh) đạt giải nhì, tiết mục “Hai Bà Trưng dẫn quân”, “Mời trầu” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem.

Thành công là thế, nhưng phường rối Chàng Sơn cũng đang đứng trước nỗi lo thất truyền khi đội ngũ kế cận còn quá ít. Trong khi đó, nghệ nhân tâm huyết, luôn gắn bó với rối nước quê hương như ông Dậu, ông Tân đã bước sang tuổi xế chiều…Việc tìm kiếm thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết với nghề và duy trì các tích trò hay để gìn giữ cho đời sau luôn được phường rối quan tâm.

 1

Tiết mục “Mời trầu” cho thấy khả năng đi xa của rối nước Chàng Sơn

Hương Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *