Các loại hình khác

Đam mê với Rối

Lớn lên trong không khí rộn rã, tươi vui của những đêm diễn Rối cạn đông nghịt khán giả ở làng, tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian này dần ngấm vào máu thịt ông Nguyễn Hữu Y, thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Yêu rối, tâm huyết với việc […]

Lớn lên trong không khí rộn rã, tươi vui của những đêm diễn Rối cạn đông nghịt khán giả ở làng, tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian này dần ngấm vào máu thịt ông Nguyễn Hữu Y, thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Yêu rối, tâm huyết với việc phục dựng, giữ gìn, phát huy nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của quê hương, ông đã vượt qua nhiều khó khăn, dành thời gian để làm các con rối, kêu gọi mọi người luyện tập, biểu diễn rối để phục vụ bà con.

Ông Nguyễn Hữu Y dành nhiều tâm huyết cho Rối

Ông Y sinh năm 1953, cũng là thời điểm Đội rối cạn Lộc Hòe (tên viết tắt từ hai thôn Lộc Dư và Hòe Thị) chính thức được thành lập. Những đêm diễn Rối đông nghịt khán giả đã thực sự làm ông thấy thích thú rồi say mê từ lúc nào. Ông thấy các nghệ sỹ làng như có phép màu với đôi tay tài hoa, điều khiển các con Rối lúc thì mềm mại, uyển chuyển, lúc lại kiên quyết, mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục. Thế nhưng, bởi nhiều lý do, từ năm 1974, Rối Lộc Hòe dần “chìm vào giấc ngủ”.
Nhiều người trong làng nhớ Rối trong tiếc nuối, ước ao Rối “hồi sinh”. Ông Y cũng vậy. Mải mê mưu sinh với nỗi lo cơm áo, gạo tiền nhưng trong lòng ông vẫn có những khoảng lặng dành riêng cho Rối. Đắn đo, chần chừ mãi, ông cũng quyết định đến lúc phải làm gì đó cho loại hình nghệ thuật mà ông hằng yêu thích. Đó là vào năm 2003, với tình yêu dành cho Rối, ông bàn với ông Lê Công Uyển và bà Tạ Thị Tú (cùng thôn) hồi sinh Rối Lộc Hòe. Sau một thời gian, các ông bà đã kết nối được 25 người cùng có tình yêu Rối để làm sống lại bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Có được con người, ông Y lại bỏ công sức để sáng tạo các con Rối phục vụ cho việc biểu diễn. Với đôi tay tài hoa và sự tâm huyết ông đã biến đất sét, giấy… thành những con Rối sống động. Con Rối có thể là những nhân vật đời thường hoặc các con vật gần gũi với đời sống. Điều quan trọng là khuôn mặt các con Rối phải thực sự biểu cảm, dễ dàng điều khiển để tạo thành các cử động, tư thế khác nhau. Làm từ đất sét, bồi giấy nên ông Y phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa để có thể tạo được con Rối khi biểu diễn hết sức sinh động, hấp dẫn người xem.
Ông Y say mê với Rối nên những lúc có vở diễn mới, dù đang có công trình (ông Y làm nghề đắp phù điêu) ông vẫn dành sự ưu tiên đặc biệt cho Rối. Công việc ông giao lại cho người con trai tiếp tục thực hiện. Con trai ông cũng thấu hiểu tính ông, rất ủng hộ cho đam mê của ông với Rối.

Các con rối do ông Nguyễn Hữu Y phục dựng

Những cố gắng, nỗ lực của ông Y đã được đền đáp khi một năm sau ngày tái lập, Rối Lộc Hòe đã có chuyến xuất ngoại sang Thái Lan, tham dự Hội diễn múa rối các nước Châu Á- Thái Bình Dương. Năm 2005, Rối Lộc Hòe tiếp tục ghi dấu ấn tại Liên hoan văn nghệ toàn quốc nhân kỷ niệm 185 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (tổ chức ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Năm 2011, Rối Lộc Hòe tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn, được đón nhận nồng nhiệt tại Liên hoan múa Rối toàn quốc lần thứ Nhất (tổ chức tại tỉnh Hải Dương)…Thành tích của Rối Lộc Hòe được ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen, tiêu biểu như: Bằng khen của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương…
Rối Lộc Hòe đã được “đánh thức”, đã có những buổi biểu diễn phục vụ dân làng, được bà con đón nhận nhiệt tình. Về với làng quê thanh bình, yên ả này, tôi được nghe nhiều lời khen mà bà con nơi đây dành tặng cho ông Y. Chính ông là người đã hồi sinh Rối, khôi phục và giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã thêm nét thi vị bởi có Rối.

Minh Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *