Nếp Sống văn hoá

Đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2019

Mới đây, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 469/KH-SVH&TT về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2019.

Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những lễ hội thu hút số lượng rất lớn du khách thập phương đến tham dự.

Kế hoạch nêu rõ, công tác quản lý và tổ chức tốt lễ hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương, đơn vị, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại di tích.
Theo đó, việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo về và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm tăng cường kỹ năng tổ chức và quản lý lễ hội, phổ biến Luật di sản văn hoá và các văn bản pháp quy hiện hành. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh, truyền thanh cơ sở tuyên truyền, quảng bá các hoạt động lễ hội.
UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội diễn ra trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, theo chức năng, nhiệm vụ tham gia vào công tác chỉ đạo và quản lý lễ hội. Quy hoạch, quản lý và tổ chức tốt các dịch vụ diễn ra trong lễ hội. Đảm bảo an ninh, trật tự và công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Những lễ hội gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, quản lý đề nghị báo cáo kịp thời về Sở VH&TT Hà Nội để phối hợp giải quyết. Thực hiện xã hội hoá công tác tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch phục vụ lễ hội. Khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống, các trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng hướng dẫn cụ thể việc đăng ký, tổ chức lễ hội theo các cấp; hướng dẫn thông báo tổ chức lễ hội.

Lễ hội đền Gióng (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một điểm nóng mỗi mùa lễ hội.

Về công tác thanh kiểm tra, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban ngành của thành phố thực hiện việc kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại các quận, huyện, thị xã. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn; nhắc nhở Ban tổ chức các lễ hội thực hiện việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng quy định. Kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ,… xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.

Với mục đích quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô. Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống trong sinh hoạt lễ hội, đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật. Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đồng thời, qua đó nâng cao chất lượng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trước, trong và sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống trong sinh hoạt lễ hội; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết.

Đông Hoàng

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *