Di sản – Bảo tồn

Đẩy mạnh việc đổi mới và đa dạng hóa hoạt động di sản tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Năm 2018 là một năm đánh dấu sự đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Kết quả của hoạt động đổi mới của Trung tâm được công nhận là 1 trong 10 hoạt động tiêu biểu của ngành Văn hóa &Thể thao Hà Nội năm 2018.

Khuê Văn Các lung linh trong ánh đèn màu về đêm.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

– Thưa ông, được biết năm 2018 là một năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Một năm với nhiều đổi mới trong hoạt động bảo tồn và phát huy di tích. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Lê Xuân Kiêu: Năm 2018 đánh dấu một chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đa dạng hóa các hoạt động, đẩy mạnh phát huy các giá trị phi vật thể của di tích để thu hút khách tham quan là điểm nhấn trong công tác nghiệp vụ của Trung tâm trong năm 2018. Các hoạt động nghiệp vụ được Trung tâm tổ chức và phối hợp với các đơn vị tổ chức tại không gian di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tại các địa phương tăng đáng kể trong năm qua. Nếu như năm 2016, Trung tâm tổ chức được 01 cuộc triển lãm, 01 cuộc Hội thảo khoa học thì đến năm 2018, con số tương ứng là 08 cuộc và 06 cuộc. Tiêu biểu là các cuộc triển lãm, trưng bày: Văn Miếu – Quốc Tử Giám và các di tích lịch sử văn hóa Bạc Liêu, Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới, Linh vật Nghê Việt, Làng nghề – phố nghề, Tranh dân gian và ứng dụng, Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội, Triển lãm Thư pháp, Văn hóa Óc eo; các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học: Chu Văn An, Hoàng Trình Thanh, Nguyễn Quán Nho, Vũ Thạnh, Nguyễn Huy Nhuận, Tọa đàm về 30 năm thành lập Trung tâm. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng giới thiệu, quảng bá các giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung tới khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế.

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

– Năm 2018, nhằm kết nối khu vực nội tự với ngoại tự (hồ Văn, vườn Giám) Trung tâm đã có nhiều hoạt động văn hoá theo hướng xã hội hoá. Vậy kết quả của hoạt động này như thế nào và ông có đánh giá ra sao?

Ông Lê Xuân Kiêu: Tổ chức các hoạt động văn hóa tại hồ Văn như Hội chữ Xuân, sự kiện “Sĩ tử nhí”, “Ký ức mùa trăng”, “Tri ân” nhân dịp 20/11 và ngày Di sản văn hóa 23/11… theo hướng xã hội hóa là bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác nghiệp vụ nhằm hướng tới số đông công chúng với nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hóa ngày càng đa dạng. Trung tâm phối hợp với các đơn vị đồng hành triển khai trang trí, dàn dựng không gian Hội chữ Xuân tại hồ Văn, đồng thời phối hợp với các câu lạc bộ Thư pháp trên địa bàn Hà Nội, vận động các đơn vị làng nghề tham gia Hội chữ. Chương trình “Sĩ tử nhí” tổ chức trong dịp hè đã tạo thêm không gian và sản phẩm giáo dục trải nghiệm để cung ứng, liên kết với các đối tác là các trường học, trung tâm giáo dục nhân cách toàn diện, các trường năng khiếu, các tổ chức xã hội. Thực hiện thử nghiệm chuỗi hoạt động giáo dục di sản với phương pháp tương tác, trải nghiệm dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng và hoạt động gắn kết gia đình thông qua lễ hội trung thu truyền thống tại sự kiện “Ký ức mùa trăng”. Tổ chức các cuộc Triển lãm Thư pháp và sự kiện với chủ đề Tri ân chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày Di sản Việt Nam 23/11. Với hàng loạt các sự kiện được tổ chức đã tạo nên hiệu ứng xã hội tích cực đối với khu vực hồ Văn, hướng tới phát triển địa điểm này trở thành điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước, trở thành nơi giao lưu văn hóa cho quần chúng nhân dân Thủ đô. Qua đó, góp phần kết nối với khu vực Nội tự và vườn Giám thành một chỉnh thể thống nhất của di tích và tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh của cộng đồng dân cư địa phương.

Tại hồ Văn (thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách tham gia.

Vậy hướng đi tiếp theo của Trung tâm với hoạt động này như thế nào?

Ông Lê Xuân Kiêu: Với những kết quả ban đầu như vậy, vấn đề đặt ra là xác định cơ chế phối hợp giữa Trung tâm, đại diện cho Nhà nước quản lý di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các đơn vị, cá nhân tham gia các hoạt động tại hồ Văn theo hướng xã hội hóa phải rõ ràng, trên cơ sở quy định của Nhà nước để tạo nên sự phát triển bền vững ở khu vực này. Trong giai đoạn đầu, còn hết sức khó khăn, việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động ở đây là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công tác quản lý cũng yêu cầu phải có sự giám sát chặt chẽ với các hoạt động để đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất của khu di tích đặc biệt quan trọng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 – Với những kết quả đạt được của năm 2018, Trung tâm có định hướng gì cho năm 2019?

Ông Lê Xuân Kiêu: Để di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế, trong năm 2019, Trung tâm sẽ chủ động xây dựng, hoàn thiện bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả, năng động, phù hợp với cơ chế tự chủ; luôn thích ứng được với sự thay đổi của môi trường chung. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích.
Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa bảng, danh nhân văn hóa theo hướng thiết thực, đưa các kết quả nghiên cứu vào trong các hoạt động cụ thể của Trung tâm.

Đầu năm 2018, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đưa hệ thống thuyết minh tự động bằng 12 thứ tiếng đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa giáo dục theo hướng phát huy giá trị của di tích, đặc biệt là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài…, phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn liền với di tích để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách tham quan.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 như: Sử dụng công nghệ 3D thực hiện số hóa các hạng mục kiến trúc, các hiện vật của di tích, phục vụ cho công tác bảo quản; Sử dụng công nghệ thực tế ảo để tái hiện lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lịch sử khoa cử Việt Nam; Sử dụng công nghệ xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu của Trung tâm; sử dụng công nghệ tự động để bán vé tự động, bán vé online… nhằm phát huy những thành tích đã đạt được sau 30 năm trưởng thành của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngân

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *