Tin ngành

Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội: Hộ tự nguyện giãn dân được hưởng ưu đãi

​Bắt đầu từ ngày 08/10 – 31/12/2013, tại Trung tâm thông tin Di sản phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) diễn ra triển lãm giới thiệu Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội.

Bắt đầu từ ngày 08/10 – 31/12/2013, tại Trung tâm thông tin Di sản phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) diễn ra triển lãm giới thiệu Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội.


Dự kiến chuyển khoảng 1.530 hộ dân

Triển lãm nêu rõ các mục tiêu và tiến độ triển khai Đề án. Theo đó, ngày 09/01/2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án giãn dân phố cổ, Q.Hoàn Kiếm”. Mục tiêu của đề án nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha (năm 2010) xuống còn khoảng 500 người/ha (năm 2020), tương ứng phải di chuyển 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 nhân khẩu, nhằm tạo điều kiện tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa phố cổ và cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 1 (trong thời gian 2013 – 2016) là xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ (diện tích 11,12ha) tại KĐT Việt Hưng (Q.Long Biên) theo quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Giai đoạn này dự kiến chuyển khoảng 1.530 hộ dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học; các hộ dân sống trong biển số nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm; các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn; các biển số nhà do Nhà nước quản lý có mật độ sử dụng rất cao; các hộ dân đang sống trong phạm vi, diện tích cần GPMB theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các hộ dân đang sinh sống trong phố cổ có nguyện vọng di chuyển sang sống tại khu giãn dân.

Mục tiêu đề án giai đoạn 2 (thời gian 2016 – 2020) là lập hồ sơ xin 30ha đất để xây dựng khu giãn dân Phố cổ tại các quận nội thành và tổ chức di chuyển 5.020 hộ dân trong phố cổ sang khu giãn dân để bảo đảm mật độ dân số đến năm 2020 còn khoảng 500 người/ha.

Khu giãn dân phố cổ tại Việt Hưng quy mô 1.800 căn hộ

Theo báo cáo của UBND Q.Hoàn Kiếm, Đề án Giãn dân phố cổ gồm 2 dự án. Dự án thứ nhất là dự án đầu đi, nhằm khảo sát lập phương án đền bù, hỗ trợ và di chuyển khoảng 1.530 hộ dân khu phố cổ sang khu nhà ở giãn dân tại KĐT Việt Hưng, do BQL phố cổ Hà Nội được ủy quyền chủ đầu tư thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 1.590 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện GPMB 749 hộ khoảng 1.573 tỷ đồng.

Dự án thứ 2 là dự án đầu đến – Khu giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng. BQLDA Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ được ủy nhiệm làm chủ đầu tư tiến hành thực hiện dự án. Nhiệm vụ của dự án là đầu tư, xây dựng các khu nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đất 11,12ha trong KĐT Việt Hưng, đáp ứng yêu cầu công tác giãn dân về loại nhà ở, cơ cấu diện tích, cơ cấu căn hộ, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và tính chất của người dân phố cổ.

Dự án chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2013 – 2016) xây dựng 296,7 nghìn m2 sàn, tương đương 1.800 căn hộ. Giai đoạn 2 dự án từ năm 2016 – 2020. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.900 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 755 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 4.145 tỷ đồng).

Sau khi hoàn thành đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng, khu nhà ở giãn dân phố cổ sẽ được bàn giao cho Q.Long Biên quản lý về địa giới hành chính theo quy định của pháp luật.

Người dân dè dặt

Triển lãm cũng thông tin rõ về quyền lợi và trách nhiệm của người dân tham gia dự án. Theo đó, các đối tượng bắt buộc di chuyển theo chính sách GPMB sẽ được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước về đền bù GPMB hiện đang được áp dụng trên địa bàn TP. Các hộ dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải chuyển ngay hộ khẩu khỏi nơi cư trú cũ trong khu phố cổ. UBND Q.Hoàn Kiếm sẽ có quy chế cụ thể để kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp KT2 đi và KT2 đến.

Các đối tượng tự nguyện giãn dân sẽ được mua nhà theo giá bảo đảm kinh doanh (bao gồm hỗ trợ tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà Q.Hoàn Kiếm đã hoàn trả cho TCty HUD và được hưởng hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại…) Việc kiểm soát nhân khẩu trong từng số nhà cũng được thực hiện như đối tượng di chuyển bắt buộc.

UBND Q.Hoàn Kiếm sẽ kiểm soát chặt chẽ đầu đi và đến. Trường hợp hộ dân nhận nhà không đến ở mà bán hoặc cho thuê, đồng thời quay lại nơi ở cũ thì sẽ bị thu hồi căn hộ và xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ giãn dân.

Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, nhiều người dân Phố cổ đã đến tham quan với những thái độ khác nhau, người dè dặt, người kỳ vọng…

Bà Khôi (cư dân phố Hàng Bạc) đến triển lãm giãn dân phố cổ với thái độ “xem cho biết”. Lý do, hiện bà đang sống với gia đình con trai út và gia đình các anh em của bà trên mảnh đất hơn 100m2 (khoảng hơn 200m2 sàn), tổng cộng 3 hộ gia đình, gồm 10 người. Do có điều kiện về kinh tế, nên những người con khác của bà và đã tự “giãn dân” ra khỏi khu vực phố cổ và mua nhà sinh sống ở nơi khác nên bà cho rằng gia đình không thuộc đối tượng phải giãn dân.

Song không phải gia đình nào cũng có điều kiện như gia đình bà Khôi. Ông Phùng Việt Trung đến triển lãm với kỳ vọng sẽ có một chỗ ở mới thoáng mát, rộng rãi hơn. Hiện gia đình 3 thế hệ hơn 10 người của ông đang phải sinh hoạt trong 13,5m2 thuê nhà của nhà nước tại số nhà 44 Hàng Buồm. Mặc dù đã cơi nới, nhưng gia đình ông cũng không thoát khỏi cảnh ngày càng chật chội khi nhân khẩu nhà ông không ngừng tăng.

Ông Trung chia sẻ: “Nói đến triển khai đề án giãn dân, dân phố cổ rất mừng. Tôi nghĩ rằng khoảng 70% người dân sẽ ủng hộ. Những người có điều kiện ở mặt phố, buôn bán kinh doanh được thì người ta sẽ không muốn đi, còn những người ở phía trong như gia đình chúng tôi thì hầu hết ai cũng muốn đi vì ở chật chội quá”.

Theo ông Trung, sau hơn 10 năm “rục rịch”, giờ mới có dự án để triển khai. Vì vậy, điều quan trọng nhất đối với người dân là bao giờ đề án sẽ được thực thi. “Dân phố cổ cũng thấp thỏm nhiều năm rồi, nhiều người cuộc sống rất khổ, nấu nướng, sinh hoạt trong một phòng ở. Mong rằng các cấp chính quyền quan tâm, triển khai nhanh thì người dân sẽ hưởng ứng” – ông Trung nói.

Đại diện BQL phố cổ cho biết: Cán bộ của Ban sẽ túc trực tại triển lãm để trực tiếp trả lời các thắc mắc của người dân. Vấn đề quan trọng nhất mà cán bộ này kỳ vọng tất cả cư dân phố cổ hiểu rõ: Các trường hợp không thuộc diện GPMB, bắt buộc phải di dời thì sau khi giãn dân, họ vẫn có quyền sở hữu đối với diện tích nhà và đất ở tại khu phổ cổ. Họ có quyền chuyển nhượng cho cho các hộ kề bên hoặc bán lại cho Nhà nước.

Phạm Vũ​

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *