Văn hóa

Để biết ơn những người mẹ, người chị đã sống như những đóa hoa kiên cường

Đó là hình ảnh bà Nhiêu Sáu thịt nát không nao, là câu chuyện của bà Hoàng Thị Ái rứt ruột xa con khi con còn khát sữa, hay hình ảnh người mẹ mang theo chiếc bị cói đựng thức ăn đi hết đồn này đến bốt khác để tìm gặp các con bị địch bắt giam. Những hình ảnh đau thương mà xúc động được tái hiện lại trong trải nghiệm của “Đêm thiêng liêng: Sống như những đoá hoa” tại di tích nhà tù Hoả Lò.

Bà Nhiêu thịt nát không nao
Bà Nhiêu Sáu quê ở làng Tương Mai, Hà Nội. Từ nhỏ, chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp, bóc lột người dân, bà đã sớm nuôi chí lớn. Bà cùng chồng mở quán cơm và nhà trọ tại số 20 phố Cửa Nam. Đây là địa điểm liên lạc, gặp gỡ, giác ngộ và tập hợp những người đồng chí hướng, có cả những người yêu nước trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và nghĩa quân Yên Thế…
Thề dựng nghiệp lớn, bà cùng các nghĩa sĩ lên kế hoạch thực hiện vụ Hà Thành đầu độc. Mục đích của vụ binh biến này là đầu độc các binh lính Pháp, mở đường cho lực lượng của những nhà yêu nước đang tập trung quanh Hà Nội, xông vào thành đánh úp, cướp khí giới, tiêu diệt quân Pháp, chiếm lại thành phố.
Đúng 19 giờ ngày 27/6/1908, các đầu bếp là người của ta làm trong các nhà bếp của Pháp đã bí mật trộn thuốc độc làm bằng cà độc dược vào thức ăn cho binh lính. Nhưng do chất độc không đủ mạnh, chúng chỉ bị ngất đi.
Kế hoạch không thành công, thực dân Pháp ráo riết truy sát những người tham gia vụ đầu độc, rồi ập vào quán cơm, bắt bà Nhiêu Sáu. Mật thám Pháp đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, nhét bà vào trong và lăn từ phố Cửa Nam về ngục Hỏa Lò. Mặc dầu bị đinh cắm nát người, bị đánh đập dã man nhưng bà vẫn kiên trung, quyết không khai để làm tổn hại đến nghĩa quân.
Bà Nhiêu Sáu hi sinh bởi đòn roi tra tấn dã man, cùng bệnh tật bởi chế độ lao tù hà khắc. Tấm gương hy sinh của bà và các nghĩa sĩ Hà Thành mãi lưu truyền trong sử xanh.

Hình ảnh bà Nhiêu Sáu (đội vành khăn) bị bắt giam tại nhà lao Hoả Lò.

Chiếc bị mẹ gói thương yêu
Chị mới đôi mươi, em chưa tròn mười chín, cùng tham gia cách mạng, cùng bị bắt giam, cùng động viên tinh thần và cùng đón nhận tình yêu thương gửi vào từ mẹ. Đó là câu chuyện của hai chị em nữ tù chính trị Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Cốm.
Năm 1951, biết tin hai con gái bị địch bắt nhưng lại không biết các con đang bị giam ở đâu, hàng ngày bà Đỗ Thị Gẩy đã dùng chiếc bị cói, đựng thức ăn, đi đến nhiều đồn, bốt để tìm gặp các con. Đến khi hai con bị chuyển về giam ở Nhà tù Hỏa Lò, hàng tháng đều đặn 3 lần, bà lại đến tiếp tế và thăm các con. Tình thương của bà được gói chặt vào bên trong chiếc bị. Đó là quà bánh, thức ăn, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu và cả những lời động viên hai con cố gắng rèn luyện, vượt lên khó khăn của cuộc sống tù đày.
Chiếc bị đã trở thành sợi dây gắn kết yêu thương, gửi nỗi niềm thương nhớ và khích lệ tinh thần của người mẹ tới hai người con gái đang bị giam giữ “chốn địa ngục trần gian”. Kỷ vật chiếc bị cói của mẹ được hai nữ chiến sĩ trân trọng giữ gìn và trao tặng lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò làm hiện vật vào năm 1997.

Khi mẹ phải rời xa con
Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Ái, sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà là Thư ký của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Trong những ngày đồng cam cộng khổ, hai đồng chí nảy sinh tình cảm và được tổ chức ủng hộ, nên duyên vợ chồng.
Năm 1931, bà sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Thanh Vân. Lúc này đang diễn ra cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, không thể giữ con bên mình nên hai vợ chồng đành gửi con cho một gia đình cơ sở ở Hà Tĩnh nuôi. Bà chẳng ngờ đó là lần cuối cùng bà được ở bên những người thân yêu nhất. Tháng 5/1931, bà bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng bị kẻ địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, rồi đưa về Nghệ An thủ tiêu.
Đầu năm 1937, sau khi được ra tù, bà trở về Hà Tĩnh tìm con. Mọi hy vọng đều biến tan khi bà hay tin con gái Thanh Vân đã chết vì khát sữa. Sự thật quá đau đớn và phũ phàng. Bà muốn kêu lên mà cổ cứ nghẹn tắc lại. Tâm can lạnh giá. Đau thương và căm thù… Nhưng bà suy nghĩ: không có quyền được thất vọng vì những đau buồn riêng của mình.
Biến đau thương thành sức mạnh, bà lại lao vào hoạt động cách mạng. Cả cuộc đời bà Hoàng Thị Ái là sự sắt son một niềm tin với Đảng, là sự chờ đợi, ngóng trông. Năm 2004, bà đã về với cõi vĩnh hằng. Vậy là, sau bao năm xa cách, gia đình nhỏ đã được đoàn tụ nơi bên kia thế giới.

Ảnh minh hoạ.

Mẹ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, luôn sẵn sàng nhận về mình những hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con trai, con gái mẹ mang nặng đẻ đau, rồi lại nén nước mắt chảy vào tim khi các con không về nữa. Mẹ giữ cho riêng mình những đau đớn tận cùng, nhưng lại rất tự hào vì con Mẹ đã hy sinh cho Tổ quốc.
Đến với chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” tại nhà tù Hoả Lò, du khách sẽ cảm nhận sâu sắc hơn tình mẫu tử thiêng liêng, để biết ơn những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất.

HL

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *