Di sản

Di sản văn hóa góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội

Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử, văn hóa đồ sộ vào bậc nhất cả nước, trải khắp trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trước yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng hiện đại của thế giới. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vấn đề này.

– Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một số kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích mà Hà Nội đạt được trong năm qua?
– Hà Nội hiện là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích được xếp hạng các cấp gồm: 1 di tích được xếp hạng Di sản thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt, 1.165 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.382 di tích xếp hạng cấp Thành phố.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong năm qua tiếp tục ổn định và được quan tâm. Năm 2019, chúng ta đã triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo cho 177 di tích trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 1.165,724 tỷ đồng (trong đó có 282,054 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa). Những vụ việc vi phạm trong quản lý di tích ngày càng giảm nhờ được phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời. Sở đã phối hợp với các ngành, các quận, huyện khảo sát đánh giá tình trạng xuống cấp để trình Thành phố bố trí 178,65 tỷ đồng hỗ trợ tu bổ, tôn tạo cho 150 di tích đã xếp hạng và di tích cách mạng kháng chiến có giá trị tiêu biểu bị xuống cấp nặng tại 22 quận, huyện, thị xã vào năm 2020. Tuy nhiên, số lượng di tích có hạng mục chính xuống cấp được ghi nhận trong quá trình kiểm kê năm 2013 – 2015 tới 727 di tích (trong đó có 448 di tích xuống cấp và 253 di tích xuống cấp nặng, nghiêm trọng) nên nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cũng trong năm 2019, Sở đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng cho 51 di tích gồm: 1 hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp Thành phố). Các di tích, danh thắng do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trực tiếp quản lý như di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và các di tích cách mạng kháng chiến… đã đón tiếp, phục vụ hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống di tích tại các quận, huyện có vai trò quan trọng trong việc tạo nên các tour, tuyến và sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh mang tính đặc trưng cho Hà Nội, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng lượng khách đến với Thủ đô thời gian qua.
– Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố hẳn cũng gặp những khó khăn, hạn chế, thưa ông?
– Như tôi đã nói, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ di tích còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vấn đề hợp tác công – tư trong việc xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới và một số tỉnh, thành phố trong nước như Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam đã thực hiện, tuy nhiên vấn đề này thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố và luôn có hai mặt. Bên cạnh mặt tích cực là nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức và tư nhân góp phần “giảm tải” cho ngân sách nhà nước về nguồn kinh phí thì mặt hạn chế là một số nơi, doanh nghiệp và cộng đồng khi thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích thường theo ý muốn chủ quan của mình mà xây dựng thêm các hạng mục kiến trúc mới hay đưa thêm hiện vật, đồ thờ tự không phù hợp với cảnh quan, truyền thống văn hóa.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên ở một số quận, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn dẫn đến việc tham mưu cho chính quyền địa phương, hướng dẫn cộng đồng, doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tu bổ di tích chậm, không đúng quy định chuyên ngành, kéo dài. Ngoài ra, tình trạng buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các cấp quản lý cũng gây ít nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn thành phố.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được đánh giá là đơn vị tiên phong trong thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển bền vững.

– Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa có thể xem như một nguồn lực để xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ một vài mô hình điển hình?
– Một số di tích hiện đã và đang phát huy rất tốt những giá trị của mình, tiêu biểu nhất phải kể đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám hay Nhà tù Hỏa Lò với những chương trình, hoạt động góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành một địa chỉ văn hóa mang tầm quốc gia, nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc tế và là điểm đến yêu thích của du khách, góp phần quảng bá tích cực cho truyền thống văn hóa Thủ đô. Năm nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được nhiều chuyên gia đánh giá là đơn vị tiên phong trong xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng, hệ thống biển bảng giới thiệu, thuyết minh hiện đại và làm rất tốt công tác giáo dục di sản đối với nhiều đối tượng và các lứa tuổi… thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển bền vững.
Tương tự như vậy, di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng có những hoạt động hấp dẫn để kéo khách đến và tạo ra nguồn thu. Di tích này hiện đón hàng triệu lượt khách mỗi năm và có thể tiến tới tự chủ nguồn kinh phí hoạt động mà không phải dùng đến ngân sách nhà nước. Các hoạt động tại di tích Nhà tù Hỏa Lò không chỉ mang ý nghĩa giáo dục lịch sử mà còn mang tính văn hóa, nhân văn trong việc kết nối các nhân chứng lịch sử trong nước, quốc tế với công chúng Thủ đô và du khách, khẳng định sức sống của di tích trong đời sống đương đại hôm nay. Những mô hình như vậy sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Bên cạnh những di tích điển hình ấy, các quận, huyện cũng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Có thể kể đến quận Hoàn Kiếm với Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; quận Long Biên với di tích đền Trấn Vũ và di sản “Kéo co ngồi” trong hồ sơ đa quốc gia di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; huyện Gia Lâm với làng gốm Bát Tràng và đền Phù Đổng; huyện Sóc Sơn với Khu di tích đền Sóc; huyện Ba Vì với cụm di tích đền Thượng – Trung – Hạ núi Ba Vì gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng và lễ hội Tản Viên Sơn Thánh; huyện Phúc Thọ với đền Hát Môn hay danh thắng Hương Sơn của huyện Mỹ Đức… Các địa phương này không chỉ làm tốt công tác tu bổ, bảo tồn mà còn phát huy rất tốt giá trị của các di tích trong phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi cho di tích.
Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy di sản văn hóa đã và đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội từ nguồn lực của mình. Chính sức mạnh nội tại ấy tạo nên nguồn lực phát triển bền vững cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa của Thủ đô. Tùy thuộc vào điều kiện của từng di tích, thành phố sẽ lựa chọn phương thức bảo tồn phù hợp. Không phải di tích nào cũng bảo tồn theo cách kéo du khách đến bằng mọi cách mà sẽ là bảo tồn toàn bộ hoặc phát huy một phần giá trị di tích. Các phương thức bảo tồn sẽ được nghiên cứu phù hợp, linh hoạt, hài hòa với xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới trên cơ sở điều kiện thực tiễn tại địa phương. Chỉ có như vậy, di sản mới có thể tồn tại một cách bền vững, lâu dài, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Văn hóa Thủ đô.
– Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Linh Tâm (Thực hiện)

Theo Hà Nội Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *