Bảo tồn - Bảo Tàng

Di tích lịch sử văn hóa đình Cù Sơn Trung, huyện Quốc Oai

Hiện nay, đình Cù Sơn Trung vẫn giữ được phong tiết anh linh cùng 12 đạo sắc phong qua các triều đại.

Đình Cù Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội 25 Km về phía Tây, tên thường gọi là Đình Cù. Mặc cho thời gian đào thải, tạo hóa xoay vần có những lúc mái trũng tường xiêu, dù phải tu sửa nhiều lần Đình vẫn giữ được phong tiết anh linh cùng 12 đạo sắc phong qua các triều đại.

Di tích lịch sử văn hóa đình Cù Sơn Trung

Đình được xây dựng từ thế kỷ XVI theo kiểu chữ đinh (J). Tổng thể khuôn viên của đình thể hiện quy mô một ngôi đình lớn gồm: cổng đình, sân đình, nhà Đại Bái, đình Trung, đình Thượng và hai dãy nhà tả vu hữu vu, bên cạnh đó có hồ Lão, hồ Chạ nằm phía ngoài. Đình Cù Sơn Trung thờ tướng công Phạm Tu – người có công bậc nhất cùng Lý Bí đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc lập nên nhà nước độc lập Vạn Xuân giai đoạn 541 – 545. Sử sách đã viết về ông:

Cuộc đời trung liệt sớm lừng danh
Muôn dặm biên cương đội phúc lành
Chốn cũ là đây – hồn sông núi
Ngựa Hồ đâu dám hý đồng xanh
(Thoát Hiên)

Những lời thơ bất hủ ca ngợi tướng công Phạm Tu không chỉ về tài cao đức sáng mà ngài còn nổi lên như một trang hào liệt mang khí phách dân tộc. Truyện kể rằng, năm 541, ông cùng những bậc hào kiệt đánh đuổi bọn thống trị nhà Lương khỏi bờ cõi. Năm 543, khi quân Chiêm Thành đem quân sang xâm lược, chỉ một lần ra quân ông đã dẹp tan được giặc Chiêm Thành, với công lao to lớn đó vua phong tước hiệu Phục Man và gả công chúa Lý Nương Phương Dung, sau phong làm Úy tham nghị việc triều đứng đầu các quan và lấy theo họ vua là Lý Phục Man. Năm 545, nhà Lương tiếp tục đem 8 vạn binh mã sang xâm lược nước ta một lần nữa. Trong cuộc chiến, mặc dù bị thương nặng nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của một vị tướng trận mạc, một mình cưỡi ngựa về hậu cứ, vết máu theo chân ngựa chảy suốt một dải 74 làng quê xứ Bắc.
Cổng đình dạng trụ hộp hình chữ nhật với những đường nét trang trí truyền thống, trên đỉnh đắp tứ phụng, phía dưới các ô đắp tứ linh hình nổi, các cặp câu đối hai bên thân trụ, mỗi bên đều có cổng phụ có mái xếp chồng chiều rộng đủ để một người dắt xe qua. Nối liền cổng là hệ thống tường rộng bao lơn khuôn viên ngôi đình. Bước qua cổng đình tiến vào một không gian rộng lớn được lát gạch đỏ tươi – sân đình, ngoài mục đích sử dụng trong những dịp tế lễ, sân đình còn là không gian sinh hoạt chung của người dân làng Cù tổ chức hội hè, hội họp từ ngày xưa.
Một điều đặc biệt mà đình Cù có được là hệ thống các cột trụ chính cũng như cột hiên đều làm bằng đá (điện Trung), gồm 18 cột đá xanh đường kính 25 – 30 cm được chạm khắc hoa lá, tứ linh tinh xảo. Đây có thể coi là điểm nhấn, gây ấn tượng mạnh khi lần đầu bước vào đình Cù. Trong gian đình Trung còn giữ nguyên trạng hệ thống cửa bức bàn cho cả năm gian, tổng cộng có 22 tấm ván cửa được đánh số thứ tự từ trái qua phải, ngưỡng của khá cao người ra vào phải nhấc chân bước qua.
Mái đình lợp ngói vảy hình mũi hài, mái hiên cong tựa mạn thuyền, các đầu đao cong mô phỏng dáng đuôi thuyền, bên trên đắp tượng lân khảm sành đang phun lửa. Trên đỉnh mái đình đắp tượng rồng thế “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” vô cùng sinh động và uy nghi. Hình tượng Rồng khá đơn giản, râu cằm thưa nhọn, bờm ngắn tỏa hình quạt. Thân rồng uốn lượn kéo dài thanh thoát mà mềm mại.


Tượng Lân phun lửa trên mái đình Cù

Nhà Đại Bái dựng trên nền cao trội hẳn hơn sân đình có bậc tam cấp bước lên, tổng thể gồm năm gian cột đình cao, bộ khung đỡ vững trãi tạo không gian rộng thoáng đãng. Tại đây lưu giữ thuyền rồng phục vụ cho mùa lễ hội, đi thuyền rồng trên hồ Chạ hát quan họ, hát mời trầu, một nét văn hóa tinh thần đẹp mà người dân làng Cù còn lưu truyền. Do những biến cố đem lại, mãi đến năm 2004, bà con gần xa trong và ngoài làng đã cùng nhau góp công góp của xây dựng lại nhà Đại Bái với dáng vẻ như xưa. Đình Trung nằm phía trong tách biệt với nhà Đại bái bởi một khoảng sân hẹp lát gạch đỏ, nơi đây trưng bày nhiều đồ thờ cổ có giá trị lịch sử. Với kết cấu ba gian hai dĩ, gian chính giữa đình Trung đặt ban thờ, bên trên treo bức hoành phi với dòng chữ: “Trung sĩ danh liệt” (Tạm dịch: Con người cần nhất là phải trung thành và giữ lấy danh nghĩa bản thân.)

Trên các trụ cột là các cặp câu đối chữ Nho cổ, bên tả hữu mỗi bên dựng một bộ chắp kích uy nghiêm, phía xa là đôi hạc gỗ đứng trên lưng rùa hướng mặt vào nhau. Hai gian kế bên gian chính trưng bày hai bộ kiệu sơn son thiếp vàng cùng một số đồ tế lễ như trống cái, trống quân, chiêng đồng, cờ hội… Bộ khung giá đỡ kết cấu chồng giường làm bằng gỗ lim vững chắc, nhiều mảng điêu khắc chạm bong kênh tranh hình rồng sinh động với những đường nét ấn tượng.
Trong cùng là gian đình Thượng cũng theo kiểu kết cấu tương tự đình Trung với cửa bức bàn, cột trụ bằng đá xanh, nhưng chỉ có 3 gian hai bên nhà dải 5 gian lợp mái ngói, cất giữ đôi ngựa gỗ. Chính giữa đặt bệ thờ cùng lư hương, chén, bình hoa, phía trên có rèm vài che, trong cùng là ngai thờ – nơi đức Thành hoàng làng ngự.
Với một niềm tự hào của miền quê được chứng kiến một thời kỳ oanh liệt của người anh hùng dân tộc, nhân dân làng Cù Sơn Trung đã lập đình tôn thờ ngài là Thành Hoàng Làng. Hằng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch dân làng tổ chức lễ hội, tế lễ tưởng nhớ công đức của Ngài cũng như cầu đảo mưa thuận gió hòa cho một năm làm ăn thuận lợi được mùa.
Ngày 23/3/1993, Đình Cù Sơn Trung được Bộ Văn hóa cấp “Bằng di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia”.

Lê Hải (HNP)

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *