Di sản

Đình Giẽ Hạ – Ngôi đình đẹp giữa vùng chiêm trũng

Với những giá trị kiến trúc độc đáo và giá trị tâm linh, đình Giẽ Hạ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ tháng 2-1994.

Đình Giẽ Hạ được xây dựng từ thế kỷ 17, thuộc thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện chiêm trũng Phú Xuyên, Hà Nội.

Giẽ Hạ là 1 làng Việt cổ có từ thời Văn Lang, xưa kia còn có tên gọi trại Phúc Trang, rồi trại Tĩnh Phúc, thuộc huyện Phù Lưu, nay là huyện Phú Xuyên. Thế kỷ 16, làng gọi là Thịnh Phúc xã Hạ thôn. Thế kỷ 19 gọi là Thịnh Đức Hạ, từ năm 1945 gọi là Giẽ Hạ.

Đình Giẽ Hạ được xây dựng ở phía Tây của làng, cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, theo đường Quốc lộ 1A.

Nhân vật được thờ trong đình Giẽ Hạ là thần Quảng Bác. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng khẳng định vị nhân thần này là có thật và được thờ ở đây. Quảng Bác là con thứ hai của Kinh Dương Vương và  Dung Châu Công chúa. Ông là 1 trong 5 người con của ông bà Kinh Dương Vương. 5 anh em ông đều được nhân dân phụng thờ vì tài giỏi và có nhiều công lao với dân, với nước như dạy dân cấy cày, trị thủy, đánh giặc giữ nước từ thuở Hùng vương…Đó là Đức Thánh Cả (anh Cả) thờ ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Đức Thánh Hai – Quảng Bác thờ ở đền Ba Sa và đình Giẽ Hạ; Đức Thánh Ba được thờ ở đền Bìm Bái – Phú Xuyên; Đức Thánh Tư được thờ ở  Hòa Mạc – tỉnh Hà Nam; Đức Thánh Năm được thờ ở ngã ba Lượng – giữa huyện Phú Xuyên với huyện Duy Tiên, Hà Nam. Cả 5 anh em khi sống đều giỏi sông nước nên đều được thờ ở các ngã 3 sông và đều được phong là thủy thần.

Trong đình Giẽ Hà có bức hoành phi ghi chữ: Giám ngoại trường giang, tước hiệu Sa giang thánh Đức thượng đẳng thần Quảng Bác uyên chung tối linh Đại vương, gọi chung là thần Quảng Bác.

Chuyện kể rằng, khi vua Lê Thần Tông chuẩn bị đi đánh giặc có sai người cầu đảo thì 1 vị thần linh hiện lên, tự xưng là Quảng Bác, hứa giúp vua dẹp giặc. Khi thắng trận trở về, vua Lê Thần Tông liền truy tìm tông tích rồi cho lập đền thờ và đến trại Phúc Trang đề tặng đôi câu đối với nghĩa: Mượn lá cờ của Đức Quảng Bác đã giúp dẹp tan giặc để cứu nước, Xứng đáng được biển đề như vậy. Ngoài Giẽ Hạ, vùng Phú Xuyên còn có 4 nơi thờ thần Quảng Bác. Các triều đại sau, theo vua Thần Tông, phong tặng Ngài tước hiệu. Không chỉ ghi nhớ công lao thần Quảng Bác, nhân dân Giẽ Hạ còn lập ban thờ thờ mẹ Ngài – Bà Dung Châu Công chúa ở bên trái đình, còn gọi là đền Thánh mẫu.

Đình Giẽ Hạ được xây dựng 1 cách quy mô và đồ sộ, theo kiểu chữ Nhất,  là do  Ứng Tướng công Đặng Đình Tướng hưng công xây dựng. Đình được xây dựng 5 gian, 2 dĩ, chiều dài 20,80m, rộng 10,40m. Nền đình được xây tam cấp, lát đá tảng, kiến trúc đình được xây dựng theo hình thức 4 hàng chân gỗ. Hệ thống cột lim tại đình rất đồ sộ: Cột cái cao 4,30m, chu vi 1,7 -1,8m, các cột quân cao 2,97m, chu vi 1,60m. Nghệ thuật trang trí điêu khắc ở đình Giẽ Hạ thuộc thời Lê. Bức cốn ở giữa đại bái điêu khắc tích rồng mẫu tử, các họa tiết chạm nổi như người cưỡi voi, tiên cưỡi rồng, long nghê quần tụ… Đại bái vẫn giữ nguyên vẹn được kiến trúc của thế kỷ 17.Gian giữa đại bái đình Giẽ Hạ có trần gỗ sơn son thiếp vàng chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt bằng sơn ta rất công phu. Hệ thống chân cột đá trong đình cũng được tạc cổ bồng công phu, đẹp mắt.

Những bức chạm khắc công phu, độc đáo trong đình Giẽ Hạ

Trong đình Giẽ Hạ còn có 1 hoành phi ghi chữ Hùng triều, thể hiện khát vọng thịnh vượng, lớn mạnh của nhân dân Giẽ Hạ thời xưa và lòng tôn kính với vị nhân thần và triều đại Hùng vương khi ấy.

Đình Giẽ Hạ hiện còn lưu giữ 3 tấm bia đá thời Lê là: Bia Kính thù đường khánh Vĩnh Diên bi, khắc năm 1647; bia hậu thần bi kí, khắc năm 1756; bia Phụng Thiền bi ký khắc năm 1724, trong đó có 1 tấm bia nói về công lao của Tướng quân Đặng Huấn đã giúp Lê – Trịnh diệt Mạc. Trong đình Giẽ Hạ hiện còn lưu được nhiều hiện vật cổ, đáng lưu ý là Long ngai bài vị từ thời Lê, hương án, kiệu bát cống, tàn lọng, gươm trường, bát bửu…

Với những giá trị kiến trúc độc đáo và giá trị tâm linh, đình Giẽ Hạ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ tháng 2-1994.

Bài: Quỳnh Anh. Ảnh: Minh Hiếu

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *