Thư viện

Đọc những cuốn sách về Hà Nội để thêm yêu mảnh đất, con người nơi ta đang sống

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), Thư viện Hà Nội giới thiệu tới bạn đọc thiếu nhi những cuốn sách viết về Hà Nội nhằm giúp các em hiểu và thêm yêu mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến.

Được viết bằng tình yêu Hà Nội, bộ sách “Thăng Long kinh kì – kẻ chợ” của hai tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng giúp bạn đọc thêm yêu, thêm hiểu hơn về lịch sử, xã hội, nét đẹp con người Hà Nội hơn một nghìn năm tuổi.
Cách gọi Kẻ Chợ để chỉ đất và người Thăng Long, cũng là từ những hình dung sơ phác về đô thị thời này. Như cách tác giả giới thiệu: “Thời Lê Trung Hưng, Đông Kinh còn có tên là Kẻ Chợ. Ban đầu tên gọi này dành chỉ để khu vực buôn bán, sản xuất, gắn với đời sống dân sinh. Dần dần, người ta gọi chung cả kinh đô (Hoàng Thành và phủ Chúa) là Kẻ Chợ hoặc Thăng Long – Kẻ Chợ để phân biệt với Thăng Long của các triều đại Lý, Trần”.
Men theo dòng chảy lịch sử, bức tranh Thăng Long – Hà Nội được tái hiện cô đọng trong hai thời đoạn ấn tượng; ghi nhận nhiều sự thay đổi sâu sắc trong dấu tích lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội. Cuốn sách được biên soạn đầy tâm huyết, ngoài các bài ngắn như những lát cắt về lịch sử, còn có phần niên biểu tóm lược các mốc thời gian quan trọng, gắn với các sự kiện nổi bật của Thăng Long – Hà Nội làm sáng tỏ khía cạnh đặc trưng: “Chất kinh kì” và “Chất kẻ chợ” luôn song hành, hội tụ ở đất và người Hà Nội.

“Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất hết cả ý nghĩa đi. Có lẽ đó là một sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà chẳng bất công như thế”. Đó là những lời tác giả Vũ Bằng gửi gắm bạn đọc ngay đầu tác phẩm. Thật hiếm có áng văn nào, ta thấy được tình yêu nồng đượm của một người xa xứ gửi đến Hà Nội thân yêu cháy bỏng như tác giả với “Thương nhớ mười hai”.

Cuốn sách “Thương nhớ mười hai” là khoảng thời gian mười hai tháng của một năm với những món đặc sản ‘mùa nào thức nấy’ đặc trưng của vùng đất Bắc, nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Bên cạnh câu chuyện của đồ ngon đồ lạ, là hình ảnh người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó của gia đình, là tấm lòng đau đáu hướng về quê hương khi vẫn còn lưu lạc ở miền Nam, là tình yêu của một người chồng dành cho vợ mình. Đọc Thương nhớ mười hai giống như được xem một bộ phim hay về ẩm thực, về cuộc sống của người Bắc Kỳ thời xưa, mỗi hình ảnh đều rất tinh tế, đẹp, và đượm buồn.

Hà Nội hiện lên trong nỗi nhớ của Vũ Bằng là một chốn cổ kính vừa lãng mạn lại vừa nên thơ. Đó là xứ sở vang vọng những câu hát quan họ vùng kinh Bắc, thơm hương trầm tháng giêng lại có cái rét ngọt đầu mùa, không khí thoang thoảng mùi phở… Hà Nội thật đẹp, thật nên thơ.

Cuốn sách “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” là tập tản văn của một trong những hồn văn tinh tế, yêu mến và hiểu biết bậc nhất về Hà Nội – nhà văn Băng Sơn. Ông đã dành trọn cả cuộc đời để hiểu, để yêu và sáng tác về Hà Nội, lưu giữ bằng văn bản những nét đẹp chỉ riêng ở Hà Nội mới có. Tập tản văn còn có sự hòa điệu của những kí họa sinh động của họa sĩ – nhà báo Nguyễn Trường, một việt kiều tại Mỹ, một người cũng nặng lòng yêu mến nét đẹp của Hà Nội 36 phố phường.

Cuốn sách là tuyển tập 33 tản văn viết về Hà Nội, thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn của nhà văn Băng Sơn. Qua 33 góc nhìn ở cuốn tạp văn, chúng ta như được cùng nhà văn khám phá Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ của quá khứ hay ngắm nhìn hiện tại mà cũng có thể đi tới tương lai; một Hà Nội thanh lịch, trầm mặc mà nhộn nhịp sầm uất.

“Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” đúng theo tên tựa sách sẽ dẫn bạn đi khắp Hà Nội. Chắc chắn sẽ làm bạn muốn đứng dậy và đến những con phố xưa để được ngắm nhìn những nét đẹp mà chỉ Hà Nội mới có. Bạn hãy nhắm mắt, lắng lòng mình lại, lắng nghe hơi thở của Hà Nội, ngửi hương thơm của Hà Nội để cảm nhận những gì đượm lại trong từng trang viết. Bạn sẽ càng thấy yêu và tự hào về Hà Nội – Thủ đô yêu dấu.

Cuốn sách “Hà Nội ngàn năm kí ức” là một cuốn sách pop-up (sách dựng hình 3D) gồm 11 danh thắng của Thăng Long – Hà Nội xuất hiện độc đáo trong cuốn sách, sẽ đưa các bạn đi du lịch vòng quanh Hà Nội bằng những hình ảnh 3D, mang lại cho bạn đọc trải nghiệm ấn tượng, khó quên. Hà Nội – một mảnh đất vừa quen mà cũng vừa thật lạ, bởi trải qua hơn ngàn năm lịch sử, Hà Nội đã “thay da đổi thịt” không biết bao lần.

Thế hệ trẻ tìm kiếm bóng hình của Thăng Long – Hà Nội xưa qua những vết tích là các công trình lịch sử nổi tiếng đã gắn liền với những thăng trầm của mảnh đất này. Những hình ảnh biểu tượng về lịch sử hơn một nghìn năm hào hùng, bi tráng của Thăng Long – Hà Nội đã được tái hiện qua cuốn sách độc đáo mới lạ này…

Cuốn sách “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” là tác phẩm hiếm hoi ghi lại kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ ngụ cư dưới bãi sông Hồng, trong đó có tác giả Lê Bầu. Đọc Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa, các em sẽ cảm nhận được không gian, cuộc sống của Hà Nội với những địa danh Phúc Xá, Nghĩa Dũng, An Dương,… những năm ba mươi của thế kỉ trước.

Cuốn sách không chỉ là những dòng hồi ức, một góc nhìn rất khác về Hà Nội mà còn là những kỉ niệm về tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả nhưng vẫn chứa chan rạng ngời, ấm áp tình người của nhà văn Lê Bầu.

Các cuốn sách hiện đang phục vụ tại Phòng Thiếu nhi – Thư viện Hà Nội.

TV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *