Tin tức - Sự kiện

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được ghi nhận là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, người đã luôn phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Chân dung đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 01/02/1902 tại làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Đình Phúc, tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục (1907) và bị đày đi Côn Đảo 5 năm. Tuổi thơ của ông được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của gia đình, đặc biệt là tấm gương anh dũng của người cha. Lớn lên, chứng kiến nỗi khổ cực của Nhân dân và sự dã man của thực dân Pháp, ông đã sớm nuôi dưỡng ý chí đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc.

Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Bưởi, Nguyễn Đình Sắc đã từ chối không nhận học bổng đi du học Pháp mà ở lại làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương. Thời gian này, Nguyễn Đình Sắc được biết về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tìm hiểu về Hội, Nguyễn Đình Sắc càng nhận thức rõ lý tưởng tốt đẹp của con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông lấy tên mới là Nguyễn Phong Sắc với ý nghĩa là ngọn gió mới, chứa đựng khát vọng, nhiệt huyết của người trí thức yêu nước đã được giác ngộ.

Tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng, xây dựng các tổ chức Thanh niên ở Hà Nội. Ngôi nhà của gia đình đồng chí ở 152 Bạch Mai trở thành cơ sở cách mạng, là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc họp Tổng bộ và Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ.

Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hà Nội được thành lập gồm 3 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Với hoạt động tích cực của Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí của mình, Hà Nội là một trong những nơi xuất hiện tổ chức Thanh niên sớm nhất, có tổ chức vững chắc và hoạt động sôi nổi, góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; từ đó xây dựng và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở một số tỉnh Bắc Kỳ.

Ngày 28/8/2028, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ tổ chức Đại hội lần thứ nhất và Nguyễn Phong Sắc là một trong ba đại biểu đại diện cho Tỉnh bộ Hà Nội tham dự và đồng chí được bầu chính thức vào Kỳ bộ thanh niên Bắc kỳ.

Với vai trò là Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Ủy viên Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tích cực chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội diễn ra vào tháng 4/1929, tại số nhà 68 Nam Đồng. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ Hà Nội.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ, đồng chí vừa chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Hà Nội tích cực thực hiện phong trào vô sản hóa, vừa trực tiếp gây dựng cơ sở ở nhiều nơi, thúc đẩy phong trào Thanh niên ở Hà Nội, Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Những bài báo của Xứ ủy Trung Kỳ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân – Đông Sớ – Nghệ An trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ảnh tư liệu

Năm 1929, thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng ở Bắc Kỳ và cả nước phát triển mạnh mẽ, với sự nhạy cảm và tư duy chính trị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã sớm nhận thấy yêu cầu và xu thế khách quan đặt ra cần phải có một tổ chức phù hợp hơn, đó là tổ chức Đảng Cộng sản. Tháng 3/2029, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của cả nước tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc – từ trí thức yêu nước trở thành một người chiến sĩ cộng sản ưu tú tiên phong, một cán bộ cốt cán, kiên trung trong phong trào cách mạng.

Trước yêu cầu của việc thành lập chính đảng mạnh, có đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng, ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đại biểu của chi bộ 5D Hàm Long đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu là Ủy viên Thường vụ. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước phát triển và đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản.

Ngày 21/7/1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp ở làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bàn về việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và tiếp tục phân công các ủy viên đi các miền, các địa phương để thực hiện nghị quyết của Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ và giữ chức vụ Bí thư Kỳ bộ, trên cương vị này đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã góp công lớn vào việc xây dựng hệ thống Đảng của các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,…

Tháng 2/1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Tháng 12/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đảm nhiệm vai trò Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Tháng 3/1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần II ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc ra nhận nhiệm vụ ra Trung kỳ, Hà Nội, Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương. Ngày 3/5/1931, khi đến Hà Nội thì đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ và đưa vào Vinh, Nghệ An. Bị tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Địch đã xử bắn đồng chí ngày 25/5/1931 tại đồn Song Lộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã oanh liệt hy sinh khi mới 29 tuổi. Cuộc đời cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang và có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong buổi đầu thành lập Ðảng.

Năm 2022, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chúng ta tưởng nhớ và tri ân người chiến sĩ cộng sản tiên phong của Ðảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *