Thư viện

Đống Đa phát huy hiệu quả các mô hình đọc sách

Nhằm xây dựng và phát triển các mô hình đọc sách, tạo thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn, quận Đống Đa đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn quận giai đoạn 2022 – 2025.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Theo đó, đối với thư viện quận, chú trọng tăng cường, nâng cao nguồn lực thông tin, phát triển phần mềm quản lý thư viện, số hóa tài liệu phục vụ người dân tiếp cận thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện. Mở rộng các hoạt động phục vụ bạn đọc, xây dựng thời gian mở cửa phục vụ phù hợp với đặc điểm, điều kiện công tác, sinh hoạt của Nhân dân địa phương. Xây dựng và phát triển kho sách luân chuyển, đẩy mạnh thực hiện luân chuyển sách, phối hợp phục vụ thư viện lưu động tại phòng đọc cơ sở, thư viện trường học, thư viện tư nhân.

Phấn đấu mỗi thư viện giới thiệu 20-30 cuốn sách mới/năm trên Website, fanpage của thư viện và tổ chức các hoạt động trưng bày, nói chuyện chuyên đề; các hoạt động về sách và văn hóa đọc bằng nhiều hình thức trực quan, online; tham gia đầy đủ các hoạt động về sách và văn hóa đọc do Thành phố tổ chức. Phát triển và duy trì mạng lưới thư viện quận, phường, phòng đọc cơ sở, phấn đấu thành lập mới thư viện, phòng đọc tại cơ sở.

Với thư viện phường, cần bổ sung vốn tài liệu phù hợp với trình độ và nhu cầu của Nhân dân, với đặc điểm yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương; tăng cường vốn tài liệu thông qua hoạt động luân chuyển sách từ thư viện quận, thành phố.

Phấn đấu mỗi thư viện phường tổ chức từ 3-5 cuộc/năm về giới thiệu, thông báo tài liệu mới phục vụ nhu cầu, nghiên cứu, học tập, giải trí cho Nhân dân tại địa phương. Tham gia tổ chức các hoạt động về sách và văn hóa đọc theo chỉ đạo của thành phố, quận. Xây dựng, phát triển và duy trì mạng lưới thư viện, tủ sách, phòng đọc sách tại trung tâm học tập cộng đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn.

Với thư viện cộng đồng (bao gồm phòng đọc cơ sở, nơi sinh hoạt cộng đồng…), cần tăng cường nguồn vốn tài liệu thông qua hoạt động luân chuyển sách, báo, từ thư viện Hà Nội, thư viện quận, phường. Đẩy mạnh công tác xã hôi hóa, tranh thủ sự hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư trang thiết bị, bổ sung vốn tài liệu, tổ chức và tham gia các hoạt động thư viện. Tham gia xây dựng văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc trong Nhân dân trên địa bàn.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Với thư viện trường học, chú trọng nâng cao chất lượng vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học, người dạy, cán bộ quản lý và mục tiêu, nội dung, chương trình học tập, giảng dạy của từng cấp học, chương trình học.

Phấn đấu mỗi trường học tổ chức 20-30 cuộc/năm về các hoạt động trưng bày, triển lãm sách, báo, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách bằng nhiều hình thức như: trực quan, online, Website, fanpage… tại thư viện. Phối hợp và tham gia các sự kiện truyền thông liên quan đến phát triển văn hóa đọc của thành phố, quận, phường phát động. 100% các em học sinh được tham gia vào các hoạt động về sách, về văn hóa đọc tại trường học.

Phối hợp hệ thống thư viện công cộng trong hoạt động luân chuyển sách, phục vụ thư viện lưu động tại các trường tiểu học, trung học cơ sở nhằm tăng cường vốn tài liệu, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của học sinh và giáo viên.

Với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, chú trọng phát huy tiềm năng, nguồn lực trong tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để phát triển vốn tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức các hoạt động thư viện nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của người dân; tăng cường bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ thư viện. Đồng thời tham gia xây dựng phong trào đọc sách báo trong Nhân dân, hình thành thói quen đọc cho Nhân dân trên địa bàn.

Khánh Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *