Tin ngành

Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột-Diên Hựu

​​Sáng nay 15-5, UBND Quận Ba Đình đã tổ chức cuộc họp lần thứ 4, lấy ý kiến về Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột – Diên Hựu.

Đến dự và đóng góp ý kiến có bà Trần Minh Nga, Vụ phó Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo chính phủ), ông Trần Đình Thành, Phó phòng Quản lý di tích Cục di sản văn hóa, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, GS Phan Khanh, PGS Tiến sĩ Trần Lâm Biền cùng nhiều nhà khoa học và đại diện các cơ quan quản lý.
Nhìn chung, ý kiến của các nhà chuyên môn và đại diện các cơ quan quản lý đều thống nhất phương án “hỏng đâu sửa đấy” và giữ nguyên kiến trúc cũ, không xây mới các hạng mục công trình và sớm hoàn thiện dự án trùng tu, tôn tạo, tu bổ trước ngày 30/6/2013.
Quan điểm hỏng đâu sửa đấy
Chùa Một Cột – Diên Hựu nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt nên việc triển khai nghiên cứu dự án cần phải được tiến hành thận trọng, có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên. Chùa có diện tích gần 4000 m2, gồm 7 hạng mục: chùa Một Cột, nhà Tổ, nhà Mẫu, Tam Bảo, Tam Quan, hồ Linh Chiểu, sân vườn…Tuy nhiên, không phải toàn bộ khu di tích Chùa Một Cột – Diên Hựu đều hỏng mà chỉ xuống cấp ở một số hạng mục.
Theo đánh giá của KTS Hoàng Đạo Cương, Công ty TNHH kiến trúc Hoàng Đạo, đơn vị tư vấn tu bổ chùa Một Cột – Diên Hựu, thì chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay tổng thể di tích ao gồm chùa Diên Hựu- Một Cột, với nhu cầu sử dụng phải cơi nới thêm một số công trình, lại được xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau không theo phương pháp trùng tu thống nhất nên dễ bị xuống cấp. Tuy nhiên cần xác định rõ các hạng mục chính xuống cấp chủ yếu ở chùa Diên Hựu, còn chùa Một Cột vẫn tốt, nên khi tu bổ có 2 công việc chính: chùa Diên Hựu và Một Cột. Hình cảnh chùa Một Cột trước năm 1954 có nhiều nét tương đồng với hình ảnh kiến trúc hiện nay. Phần mái của Một Cột hiện nay vẫn tốt, chỉ có bậc lên xuống thì bị sứt mẻ nhiều. Toàn tam bảo loại bỏ những phần cơi nới ở bên trong. Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại chùa Một Cột – Diên Hựu đã được tu bổ vào năm 2010, về cơ bản khắc phục được tình trạng úng ngập; các loại cây trồng bên trong nhiều loại, tạp, nhìn chưa dược mỹ quan.
KTS Hoàng Đạo Cương cho biết thêm, có nhiều ý kiến cho rằng về việc phục dựng cột đá nhưng hình ảnh cột gỗ hiện nay đã đi vào tiềm thức của nhiều nhiều, kiến nghị tu bổ nguyên trạng chùa Một Cột. Đối với tòa Tam Bảo theo hướng hỏng đâu sửa đấy,Nhà Mẫu loại bỏ phần cơi nới xây thêm với mục đích chính là cải tạo trình trạng kỹ thuật và kéo dài tuổi thọ của công trình.Tam Quan nên giữ nguyên kiến trúc cũ.
Đề cập đến việc xuống cấp tại Chùa Một Cột – Diên Hựu, sư thầy trụ trì Thích Tâm Kiên kiến nghị: “Tôi tạm thời nhất trí với ý kiến của đơn vị tư vấn, nhưng tôi xin nhắc lại là nếu trời mưa khoảng một tiếng đồng hồ thì sự ngập úng của chùa Một Cột vẫn còn vì khu chùa là khu tổng thể, mặt bằng thấp hơn Lăng Bác Hồ và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những trận mưa lớn, đường ống thoát nước của chùa không kịp và chảy ngược trở lại. Tình trạng ngập úng gần đây nhất không ngập lâu, nhưng ngập đến 45cm, ngập cả tường hoa của chùa. Cá bên ao Bác Hồ tràn sang cả hồ Linh Chiểu, cá sang ăn hết cả sen, 2 năm nay hoa sen không có, mà hoa sen không có thì mất linh hồn chùa Một Cột. Ngoài ra, nhà chùa cũng đề nghị nếu thay được cột đá nên thay để đảm bảo vững chắc, lâu dài mà cũng không làm thay đổi kiến trúc, hình dáng của chùa”.
Theo Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Chùa Một Cột – Diên Hựu trình lên UBND Thành phố, dự kiến sẽ cải tạo hệ thống sân, đường dạo, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng; tu bổ các thành phần, hạng mục công trình hiện còn như Tam quan, Tam bảo, nhà Mẫu, chùa Một Cột, khu Tháp Tổ, phục dựng Nhà Tổ, xây mới nhà Tăng…Với Tam quan, tường bong tróc sẽ được trát vá lại, đắp sửa hoa văn, con giống, tu bổ cửa gỗ, lát lại nền bằng gạch bát phục chế. Tại Tam bảo, sẽ phá dỡ, hạ giải công trình tạm liên quan đến Tam bảo không phù hợp với di tích, hạ giải tu bổ mái công trình, thay mới cấu kiện gỗ hư hỏng bằng chất liệu gỗ tương đương hoặc tốt hơn; trát lại tường, lát lại nền, tu bổ hoa văn, con giống theo nguyên trạng… Tại nhà Mẫu cũng sẽ phá dỡ những công trình cơi nới không nguyên gốc, không phù hợp; hạ giải kết cấu mái, tường, đánh giá tu bổ cấu kiện gỗ, lợp lại mái, lát lại nền… Với chùa Một Cột và hồ Linh Chiểu, dự án sẽ hạ giải từng phần mái, đánh giá và tu bổ nguyên trạng các cấu kiện gỗ; đắp trát, tu bổ bờ nóc, bờ chảy; lợp lại ngói; tu bổ hoa văn, con giống, bậc thang lên chùa, nạo vét hồ, trát vá bề mặt móng, lan can hồ…
 
Chỉ là phục dựng chứ không xây mới
Cũng trong cuộc họp tại UBND TP Hà Nội chiều qua, VP UBND TP. Hà Nội đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Một Cột – Diên Hựu thuộc quận Ba Đình yêu cầu quá trình tu bổ, tôn tạo phải giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng mới công trình.
Theo PGS. TS Trần Lâm Biền, việc tu bổ chùa Một Cột là hết sức quan trọng cho nên phương án đưa ra phải cân nhắc kỹ càng, sao cho không ảnh hưởng đến tiến độ. Việc thu bổ theo tôi 3 hạng mục không có quyền di chuyển, hỏng đâu sửa dấy. Nếu hỏng nhiều quá nên hạ giải để làm lại cho tốt nhưng phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc khoa học.
Ông Trần Lâm Biền cũng cho biết thêm, ông tán thành xây khu nhà Tổ, Nhà tăng ở vị trí số 6, 7 của phương án 2 nhưng không thể để nhà Tăng ở trước Nhà Tổ được vì như thế là ngược. Hơn thế, trong tín ngưỡng của người Việt Nam rất quan tâm đến hướng, dù hướng Đông là hướng của thánh thần, nhưng nên quay công trình về hướng Nam theo hướng chùa, hai tòa nên liền nhau chứ không tách rời. Hay cùng khu vực này cũng nên tính đến phương án xây am hóa vàng và nhà vệ sinh cho sạch đẹp. Ngoài ra, nên chuyển khu bán hàng dịch vụ ra hẳn bên ngoài để đảm bảo không khí nghiêm trang của nơi thờ tự.
Cũng đóng góp ý kiến vào phương án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột, PGS Phan Khanh cho rằng: “Nếu chọn phương án thay cột đá thì nên lấy mẫu cột đa nhiều, nhưng theo tôi nên để nguyên vì cột gỗ vẫn còn tốt, tu bổ cầu thang lên chùa mới là trọng tâm của dự án. Nên tập trung tối đa giữ nguyên hiện trạng của chùa Một Cột, từ cầu thang, hiện vật, ánh sáng. Có như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Tu bổ các hạng mục khác ở chùa Diên Hựu chỉ là thứ yếu. Ngoài ra, phải lo đến thường thành xung quanh chùa, làm sao để nước không tràn vào được, có thể trồng sen… Nếu không xây mới sẽ không giải quyết được sự nhom nhem, vì thế nên cho xây mới hai hạng mục Nhà Tổ, Nhà Tăng, nhưng cần có mẫu kiến trúc phù hợp nhất. Nên tham khảo chi tiết các mẫu kiến trúc để không bị cong, vênh, ngoại lai. Đã tu bổ, tôn tạo phải chú ý tu bổ tổng thể”.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định, để tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột – Diên Hựu gồm 2 hạng mục chính Diên Hựu và Một Cột sẽ được tính toán rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, xin ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chuyên môn để đi đến phương án tu bổ tối ưu trên cơ sở giữ nguyên trạng của di tích nhưng phải phát huy được giá trị văn hóa lâu bền. Đồng thời, trong đợt tu bổ này cũng sẽ loại bỏ những gì xây dựng không đúng làm ảnh hưởng đến kiến trúc, mỹ quan của ngôi chùa. Sớm hoàn thiện dự án trùng tu, tôn tạo, tu bổ trước ngày 30/6/2013.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *