Di sản

Gia Lâm chú trọng công tác phát huy di sản gắn với phát triển du lịch

Bên cạnh việc thực hiện công tác bảo tồn các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể, huyện Gia Lâm sẽ chú trọng công tác phát huy di sản gắn với phát triển 03 vùng du lịch trọng điểm của huyện kết hợp giữa du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp.

Sau 5 năm triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020” đã mang lại cho Gia Lâm nhiều đổi thay và đạt được những kết quả nhất định.
Với tiềm năng và lợi thế của một vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 320 di tích với trọng 169 di tích được xếp hạng các cấp; 01 Khu di tích Đền Phù Đổng là Di tích Quốc gia đặc biệt gồm 10 điểm, 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 82 di tích xếp hạng cấp thành phố; 16 điểm gắn biển sự kiện cách mạng kháng chiến. Trải qua năm tháng, cùng với sự tác động của thời tiết; nhiều di tích trên địa bàn huyện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người dân, du khách và di tích.

Huyện Gia Lâm tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”.

Trước tình hình đó, Gia Lâm đã xây dựng và ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020”. Sau 5 năm triển khai thực hiện thu được nhiều kết quả nổi bật như:
Kiện toàn Ban quản lý di tích, ban hành Quy chế hoạt động đối với 23 Ban quản lý di tích cấp xã và 103 tiểu ban quản lý di tích thôn, tổ dân phố. 100% ban và tiểu ban xây dựng Quy chế hoạt động và thực hiện cơ bản phát huy được trách nhiệm, sự tham gia quản lý của chính quyền và cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo tồn phát huy di tích.
Công tác quản lý đất đai tại các di tích được tập trung thực hiện. Toàn huyện có 218 vị trí đất tín ngưỡng cần thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã thực hiện cấp được 197 vị trí, đạt 90% tổng số di tích cần cấp. Thống kê toàn huyện có 95 vị trí đất tôn giáo, 78 vị trí đã hoàn thiện hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác xếp hạng, gắn biển di tích và sự kiện cách mạng kháng chiến được quan tâm. Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Văn hoá và Thể thao lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng cấp thành phố đối với 14 di tích, đã tổ chức đón bằng 09 di tích; đề nghị bổ sung vào danh mục kiểm kê di tichsc của thành phố 25 di tích; phối hợp lập hồ sơ và gắn biển 03 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; Phối hợp lập hồ sơ và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận 02 làng nghề, 01 lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 03 hiện vật là bảo vật quốc gia. Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện kiểm kê các hiện vật tại 187 di tích trên địa bàn, đạt 58,7% tổng số di tích của huyện. Các di tích được kiểm kê hiện vật là các di tích đã được xếp hạng các cấp và đang đề nghị xếp hạng. Thực hiện rập, dịch văn bia và các tư liệu hán nôm tại 50 di tích. Hồ sơ kiểm kê hiện vật tại các di tích được thực hiện và lưu giữ khoa học, lập thành 04 bộ phục vụ công tác lưu trữ và quản lý: Kho lưu trữ của UBND huyện; Phòng Văn hóa và Thông tin; UBND xã, thị trấn; Tiểu ban quản lý di tích thôn, tổ dân phố. Dữ liệu kiểm kê được chuẩn bị để phục vụ công tác số hóa dữ liệu quản lý di tích lịch sử văn hóa trong giai đoạn tiếp theo. Biên soạn và phát hành cuốn sách về các di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích trên địa bàn huyện Gia Lâm.
UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã thị trấn triển khai thực hiện lập bảng giới thiệu các di tích, thần tích các vị thần được thờ tại di tích của địa phương bằng nhiều hình thức: Văn bia, bảng giới thiệu, in nội dung giới thiệu trên phiếu ghi công đức. Nội dung giới thiệu được quan tâm thực hiện thận trọng, trích dẫn trên các tài liệu khoa học, hồ sơ xếp hạng của di tích, lấy ý kiến của nhân dân. Đến nay, 100% di tích xếp hạng các cấp có bảng giới thiệu tuyên truyền về di tích. Huyện đã ứng dụng công nghệ 4.0 số hóa toàn bộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của xã Bát Tràng phục vụ công tác phát triển du lịch thông minh tại Bát Tràng, Phù Đổng.

Gia Lâm chú trọng công tác phát huy di sản gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp.

Đối với công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, với số lượng di tích lớn, nhiều di tích bị xuống cấp do tác động của thời gian và điều kiện khí hậu. Từ 2016 đến nay, huyện Gia Lâm đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đối với 61 di tích xuống cấp. Hết năm 2020, huyện đã tu bổ, tôn tạo xong, bàn giao và đưa vào sử dụng là 22 di tích; đang thực hiện thi công và chuẩn bị thực hiện thi công 20 di tích; đang thực hiện chuẩn bị đầu tư 19 di tích. Tổng kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo là 1.095,8 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách là 716,8 tỷ đồng; vốn xã hội hóa là 379 tỷ đồng); được thực hiện theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên: 1: Mức độ xuống cấp của di tích; 2: Cấp được xếp hạng; 3: Di tích là Đình – Đền – Nghè – Miếu, nhà thờ họ… (công trình tín ngưỡng); 4: Di tích là các Chùa thuộc địa bàn khó khăn, khó có khả năng xã hội hóa (Công trình tôn giáo). Huyện cũng tiến hành thực hiện lập quy hoạch tổng mặt bằng, phê duyệt quy mô dự án tổng thể cho di tích. Đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục chính, hạng mục xuống cấp bằng nguồn ngân sách; các hạng mục phụ trợ như: sân, vườn, công trình phụ, tường bao… giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, chia theo giai đoạn, theo khả năng của từng địa phương.
Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đạt được, huyện Gia Lâm tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”, bên cạnh việc thực hiện công tác bảo tồn các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể, huyện Gia Lâm sẽ chú trọng công tác phát huy di sản gắn với phát triển 03 vùng du lịch trọng điểm của huyện kết hợp giữa du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp với tổng mức đầu tư dự kiến 2900 tỉ đồng. Để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện: Dịch vụ – Công nghiệp, xây dựng – Nông nghiệp, thủy sản; góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển huyện thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Bảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *