Văn hóa cơ sở

Gia Lâm tổ chức tập huấn chuyên đề công tác quản lý văn hóa năm 2019

UBND huyện Gia Lâm vừa tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề về công tác quản lý văn hóa trên địa bàn huyện năm 2019. Buổi tập huấn thu hút hơn 100 đại biểu tham gia.

Gia Lâm có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Trong ảnh: Đền Phù Đổng, khu di tích quốc gia đặc biệt

   Tại buổi tập huấn, lãnh đạo phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã báo cáo khái quát về công tác bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng Văn hóa- Thông tin, toàn Huyện hiện có 318 di tích, trong đó, Đền Phù Đổng được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt với 10 điểm di tích. Bên cạnh đó, Huyện có 82 di tích đã được xếp hạng cấp Thành phố; 13 di tích cách mạng kháng chiến. Tiêu biểu như: Đền Phù Đổng, Đền Nguyên phi Ỷ Lan, xã Dương Xá; Đình Trân Tào, xã Phú Thị, đình Trung Quan, xã Văn Đức; đình Xuân Dục, xã Yên Thường; đình, miếu Công Đình, xã Đình Xuyên; chùa, nghè Keo, xã Kim Sơn; chùa Nành, xã Ninh Hiệp; chùa Báo Ân, xã Dương Quang…

Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan

Hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể của Gia Lâm bao gồm 100 lễ hội truyền thống. Trong đó, Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị xếp hạng đối với 11 di tích; tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đối với 09 di tích; Đề nghị Thành phố gắn gắn biển 03 điểm di tích cách mạng kháng chiến, nâng tổng số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện nay là 169/318 di tích, đạt 53,1%, bằng 48% kế hoạch của Đề án.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng các di tích đề nghị xếp hạng, làm cơ sở cho việc công nhận di tích và công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Huyện đã rà soát, thống kê có 212 vị trí đất tín ngưỡng cần thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã thực hiện cấp được 192 vị trí, đạt 90%.  Huyện đã phổ biến Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; Luật Di sản văn hóa; Quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia; quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn.

Lớp tập huấn được tổ chức nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Di sản Văn hóa theo quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Đây là hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ XV ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Sơn

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *