Tin ngành

Giao lưu giữa Đại tá Trần Trọng Duyệt với Hội “Trái tim người lính” (Hoa Kỳ)

Cuộc gặp gỡ giúp mọi người hiểu hơn về chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với phi công Mỹ bị bắt giam tại đây trong quãng thời gian từ 1964-1973.

Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam, đoàn đại biểu thuộc Hội “Trái tim Người lính” của Hoa Kỳ (Soldier’s Heart Initiative – SHI), do ông Edward Bryan Tick, Chủ tịch SHI làm Trưởng đoàn đã đến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đặc biệt, tại đây, đoàn đã có cuộc giao lưu với Đại tá Trần Trọng Duyệt – Nguyên Trại trưởng trại giam phi công Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội để hiểu hơn về chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với phi công Mỹ bị bắt giam tại đây trong quãng thời gian từ 1964-1973.

Chụp ảnh kỷ niệm tại buổi Giao lưu
Chụp ảnh kỷ niệm tại buổi Giao lưu

Hội “Trái tim người lính” – Hoa Kỳ do Tiến sĩ Edward Bryan Tick đồng sáng lập. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận gồm các cựu chiến binh tiên phong trong công tác hàn gắn vết thương chiến tranh, có trụ sở tại New York và đồng thời là đơn vị tổ chức các chương trình mang tầm quốc gia và quốc tế liên quan đến vấn đề này. Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn là tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động, góp phần hàn gắn và hòa giải giữa hai nước, cựu chiến binh hai nước, trị liệu sang chấn tinh thần tâm lý do chiến tranh gây ra.

Đại tá Trần Trọng Duyệt (bên phải) đã có những chia sẻ về thời gian ông được cử giữ cương vị làm trại trưởng trại giam phi công Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò
Đại tá Trần Trọng Duyệt (bên phải) đã có những chia sẻ về thời gian ông được cử giữ cương vị làm trại trưởng trại giam phi công Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò

Tại buổi giao lưu, Đại tá Trần Trọng Duyệt đã có những chia sẻ với các thành viên Hội “Trái tim người lính” (Hoa Kỳ) về thời gian ông được cử giữ cương vị làm trại trưởng trại giam phi công Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò. Ông đã nói rõ về chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với những tù binh phi công khi họ bị tạm giam tại đây: Chế độ ăn uống, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của tù binh phi công; những tình cảm mà tù binh phi công đã giành cho người trại trưởng khi họ ở đây và cả khi họ đã được trao trả về nước… Buổi giao lưu đã đem lại sự thấu hiểu, chia sẻ để hàn gắn những vết thương sau chiến tranh, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Trại trưởng Trần Trọng Duyệt nói chuyện với các phi công Mỹ trước khi được trao trả, tháng 2/1973
Trại trưởng Trần Trọng Duyệt nói chuyện với các phi công Mỹ trước khi được trao trả, tháng 2/1973

Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội “…Chúng ta đang được sống trong không khí hòa bình, hợp tác, bình đẳng giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa, nhiệm vụ của mỗi người chúng ta hôm nay, đặc biệt là những nhân chứng lịch sử phải có trách nhiệm tiếp tục làm cho nhân dân và thế hệ trẻ hai nước hiểu đúng về cuộc chiến tranh này, hiểu đúng về truyền thống nhân văn đã được hun đúc từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam, để từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh mà di chứng của nó đang để lại cho biết bao người dân Việt Nam”.

đồng chí Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội
Đồng chí Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Tiến sỹ Edward Tick đã thay mặt đoàn phát biểu cảm ơn Đại tá Trần Trọng Duyệt, Lãnh đạo Sở Văn hóa  và Thể thao Hà Nội cùng những đại biểu tham dự buổi giao lưu. Ông cho rằng, với cương vị là một giáo sư đại học, trong mỗi giờ lên lớp, ông luôn nói cho sinh viên của mình biết về cuộc chiến tranh Việt Nam, những hậu quả mà hiện nay nhân dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu do chiến tranh để lại. Ông muốn giúp nhiều người Mỹ tiếp cận đất nước Việt Nam, để có thêm nhiều cựu chiến binh và công dân Mỹ tham gia vào các chương trình hòa hợp dân tộc này.

Các thành viên Hội “Trái tim người lính” tại buổi giao lưu
Các thành viên Hội “Trái tim người lính” tại buổi giao lưu

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, Đoàn đã có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, tham quan du lịch, gặp gỡ các nhà thơ Việt Nam để cùng chia sẻ những bài thơ thể hiện tình yêu thương con người, yêu hòa bình và lên án chiến tranh. Bên cạnh đó, đoàn đã đến thăm một số cơ sở nhân đạo, từ thiện, một số cơ quan, tổ chức văn hóa nghệ thuật tại các tỉnh thuộc miền Nam và miền Trung Việt Nam.

Huyền Nhâm

(Mask)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *