Gia đình

Gìn giữ hạnh phúc gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội

Việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ năm 2019, sau hơn 2 năm triển khai, tại 02 địa bàn dân cư được tổ chức thí điểm đã thấy rõ hiệu quả đối với những hộ gia đình tham gia đăng ký thực hiện, cũng như với mọi tầng lớp trong xã hội thông qua công tác truyền thông.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được 300 hộ gia đình thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và 300 hộ gia đình thuộc xã Phú Cường, huyện Ba Vì đăng ký thực hiện thí điểm. Tổng số 600 hộ gia đình với số hộ gia đình 1 thế hệ là 19 hộ, số hộ gia đình 2 thế hệ chiếm đa số với 384 hộ, số hộ gia đình 3 thế hệ trở lên là 197 hộ.

Các hộ gia đình tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Tại địa bàn thí điểm, ngoài hoạt động triển khai các nội dung, thông điệp của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đại diện các hộ gia đình đăng ký thí điểm đều tham gia ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tại các địa bàn thí điểm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hướng dẫn triển khai các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan về các tiêu chí ứng xử trong gia đình theo hướng dẫn của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch như: phát tờ rơi, treo băng rôn, pano tại các điểm tập trung đông người, trụ sở tiếp dân, trạm y tế, trường học, các trục giao thông chính.

Hoạt động truyền thanh ở xã, phường được quan tâm, phát thanh hằng trăm tin, bài tuyên truyền về các nội dung giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình; phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình… ở địa bàn thí điểm.

Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng kịch bản và tổ chức 08 buổi sinh hoạt chuyên đề tại hai địa bàn thí điểm theo các chủ đề tương ứng với các tiêu chí ứng xử trong gia đình. Mỗi chủ đề sinh hoạt đều huy động các nhóm đối tượng phù hợp, thông điệp truyền thông nhằm phát huy hiệu quả tuyên truyền tác động đúng tâm lý, độ tuổi, nhu cầu, sở thích của đối tượng. Nội dung tuyên truyền bám sát Bộ Tiêu chí, cung cấp các kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương thủy chung, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình; chính sách pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; phê phán các hành vi vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em, Luật người cao tuổi và các văn bản liên quan khác.

Việc triển khai Bộ tiêu chí cũng nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, lồng ghép các nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng ngừa bạo lực gia đình đối với hội viên.

Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Có thể thấy sự đa dạng, phong phú về hình thức thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã mang lại điều quan trọng, đó là mỗi người tham gia đều có ý thức hơn về việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình của họ, ý thức hơn về cách hành xử trong gia đình. Ngoài 02 địa điểm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lựa chọn thí điểm, năm 2020, Hà Nội cũng đã chủ động thực hiện thí điểm tại 05 địa điểm khác theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL bằng nguồn ngân sách địa phương. Thông qua việc triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các gia đình tích cực thực hiện tốt theo hướng dẫn của cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở. Kết quả của việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử năm 2019-2020 tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện trong những năm tiếp theo tiến tới triển khai áp dụng chính thức Bộ tiêu chí trên phạm vi cả nước.

Tố Quyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *