Văn hóa cơ sở

Giữ gìn và phát huy nghệ thuật tuồng

Hiện ở Đông Anh đang tồn tại 6 câu lạc bộ tuồng (CLB). Mỗi CLB quy tụ được vài ba chục có khi hàng trăm nông dân – diễn viên quần chúng với nhiều độ tuổi khác nhau, từ bậc cao niên cho đến những học sinh tiểu học.

Trong khi nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đang sống khắc khoải để cạnh tranh khán giả trong cơ chế thị trường,thì nghệ thuật tuồng không chuyên ở những làng quê như huyện Đông Anh vẫn luôn tồn tại và ngày càng phát triển, thu hút từ người già đến trẻ nhỏ. Có câu ca: “Tháng ba ngày tám nằm suông/Nghe giục trống tuồng cố lết đi xem…” là nói về niềm yêu, mê tuồng của người dân. Để có được điều đó không chỉ là sự đam mê, nuôi dưỡng nghệ thuật tuồng truyền thống của những người nông dân mà còn có cả sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong huyện, trong đó có ngành VHTT nhằm gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này.

Nuôi dưỡng tình yêu tuồng

Điều đáng quý nhất của huyện Đông Anh là sự trân trọng văn hóa truyền thống, từ người dân đến các cấp chính quyền. Với người dân, mê nghệ thuật truyền thống như ca trù, tuồng, rối, chèo được truyền từ đời này qua đời khác. Xã Cổ Loa, xã Việt Hùng và Xuân Nộn là những nơi nuôi dưỡng và phát huy nghệ thuật tuồng tốt nhất trong huyện. Hiện ở Đông Anh đang tồn tại 6 câu lạc bộ tuồng (CLB). Mỗi CLB quy tụ được vài ba chục có khi hàng trăm nông dân – diễn viên quần chúng với nhiều độ tuổi khác nhau, từ bậc cao niên cho đến những học sinh tiểu học.

Tại Xuân Nộn – nơi tuồng tồn tại đã mấy trăm năm nay, những tên tuổi như ông, bà: Ngô Văn Bình, Nguyễn Mai Hoa, Nguyễn Thế Lộc, Phan Minh Hai (Quế Lộc), Trần Thị Sáu (Quế Trung)… đã trở nên thân thuộc với người dân qua từng vai diễn. Các ông: Nguyễn Hữu Nguyệt, Lê Văn Chiêm, Nguyễn Hữu Chỉ, Ngô Văn Chanh, Nguyễn Hữu Thuyên, Lê Văn Quảng (tức Phương), Trần Quang Hùng, Nguyễn Văn Tuyền, Nguyễn Hữu Quảng, Nguyễn Thế Thiềng, Nguyễn Hữu Tụy, Nguyễn Hữu Thành; các bà: Bà Ngô Thị Năm, Đỗ Thanh Hằng, Nguyễn Thị Lư,  Nguyễn Thị Thảo, Ngô Thị Bẩy, Nguyễn Thị Biểu, Nguyễn Thị Quyến, Nguyễn Thị Bốn, Nguyễn Thị Mạnh, Nguyễn Thị Cẩm v.v. cũng nổi danh không kém. Tính đến nay có 3-6 thế hệ nghệ sĩ của Xuân Nộn đã trưởng thành, có nhiều người đã hơn trăm tuổi. Chỉ tính sau Cách mạng tháng Tám đã có 3 thế hệ tiêu biểu, gồm: Thế hệ từ năm 1960 – 1980, thế hệ từ năm 1980 -2000, thế hệ từ năm 2000 – 2017. Đam mê tuồng, nên khi hòa bình mới lập lại ở miền Bắc, năm 1956, dù hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Xuân Nộn đã khôi phục đội tuồng của xã mình, mang lại món ăn tinh thần vô giá cho nhân dân.

Mấy chục năm qua, tuồng Đông Anh nói chung, tuồng Xuân Nộn nói riêng đã “mang chuông đi đánh xứ người”, tham gia mấy chục hội thi, hội diễn sân khấu và lần nào cũng giành huy chương Vàng. Năm 1994, Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên phía Bắc, đội tuồng thôn Lương Quy tham gia với vở diễn “Nhất Gia sinh lưỡng trạng”, vở diễn đạt tiết mục xuất sắc, cá nhân đạt 3 HCV, 2 HCB. Vở diễn được Hội đồng giám khảo, Ban chỉ đạo liên hoan và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về diễn xuất và chất lượng nghệ thuật. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu ngỡ ngàng, hoàn toàn bị thuyết phục trước sân khấu tuồng không chuyên, khi vẫn giữ được “cốt cách của  tuồng cổ”. Tại Xuân Nộn, ngoài CLB dân ca – tuồng của xã còn có 2 đội tuồng: Tuồng thôn Lương Quy và tuồng thôn Đường Yên.  Mỗi đội có từ 30- 40 người, riêng thôn Đường Yên còn có một đội tuồng đồng ấu thu hút khoảng 40 em.

     Những nghệ sĩ không chuyên tranh thủ lúc nông nhàn cùng nhau luyện tập tuồng

    Ở xã Cổ Loa và xã Việt Hùng, nghệ thuật tuồng cổ cũng được nhân dân yêu quý và hết sức trân trọng. Xã Việt Hùng, từ người già đến trẻ nhỏ đều luôn ý thức giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng cổ. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong xã cũng luôn quan tâm gìn giữ và phát triển vốn quý ấy của địa phương nên đã thành lập 1 CLB tuồng cổ và 1 đội tuồng đồng ấu, hàng năm biểu diễn phục vụ bà con và giao lưu các xã khác. Năm 2017, CLB tuồng Việt Hùng tham gia Hội diễn sân khấu không chuyên và giành giải Đặc biệt.

Về phía huyện Đông Anh, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 đã khẳng định việc khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống trên địa bàn. Hàng năm, ngành VH-TT huyện và chính quyền địa phương các xã, thị trấn đã hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các đội tuồng như quần áo, đạo cụ. Năm 2018, huyện đã đầu tư cho 4 CLB, mỗi CLB từ 10 -15 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm, huyện Đông Anh tạo điều kiện về kinh phí, phương tiện cho các CLB, trong đó có tuồng đi biểu diễn giao lưu trong và ngoài huyện từ 10 -20 buổi.

Truyền, giữ ngọn lửa đam mê tuồng cho thế hệ trẻ

Cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật tuồng đang phải đối mặt với không ít khó khăn để bảo tồn và phát huy vốn cổ, vốn quý. Đào tạo nên một nghệ sĩ tuồng đã khó, để “giữ lửa” nghề lại càng khó hơn, nhất là với lớp trẻ. Với trăn trở, làm sao “giữ lửa” được cho lớp trẻ, nhiều năm qua huyện Đông Anh đã thường xuyên mở các lớp đào tạo tuồng cho các em nhỏ và thành lập đội tuồng đồng ấu ở xã Xuân Nộn.

Đến Đông Anh, ta ngạc nhiên vì các em nhỏ ở đây không ham mê với những trò chơi hiện đại mà lại say mê học hát tuồng, diễn tuồng (không phải các em không biết, hoặc không có điều kiện tiếp xúc với những trò chơi ấy). Các em được người lớn “ươm mầm” từ thơ bé, để lưu giữ những làn điệu cổ truyền cho mai sau. Những cái tên: Ðào Huy Hoàng, Ðào Thị Vân Anh rất đỗi quen thuộc, bởi các em múa giỏi, hát hay, diễn tuồng rất tốt, xa xưa nữa là thế hệ đồng ấu của Nguyễn Hữu Hanh 10 tuổi, Nguyễn Hữu Điều 8 tuổi, Ngô Văn Tiếu 8 tuổi đầy nhiệt huyết và tài năng…CLB tuồng đồng ấu thôn Ðường Yên (xã Xuân Nộn) dịp hè nào cũng tập trung các em thiếu niên, nhi đồng đến nhà chị Ðỗ Thanh Hằng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ để luyện tập. Chủ nhiệm Hằng – người truyền lửa cũng là người rất đam mê tuồng và đã giành nhiều Huy chương vàng tại nhiều Hội diễn sân khấu, là tấm gương sáng để các em thiếu niên, nhi đồng noi theo. Tuồng đồng ấu Đông Anh được ra đời từ những năm 90 của thế kỷ trước và được nhân dân cùng các cấp chính quyền nuôi dưỡng, đầu tư. Cứ vài năm, khi các cháu lớn tuổi lại thành lập đội tuồng đồng ấu mới. Cứ thế, lớp này kế lớp kia. Lớp tuồng đồng ấu trước có hai cháu giờ là diễn viên Nhà hát Tuồng Trung ương. Xuân Nộn có hai thôn thì có đến… ba câu lạc bộ tuồng, một của xã; hai của thôn Ðường Yên và Lương Quy, lại có CLB tuồng đồng ấu của thiếu nhi. Như thế đủ thấy người Xuân Nộn yêu và giữ gìn tuồng như thế nào.

Tuồng đồng ấu Đông Anh nổi tiếng khắp nơi từ nhiều năm nay và đã đào tạo được nhiều lớp nghệ sĩ

Nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, ngành VHTT huyện Đông Anh phối hợp với các xã có tuồng truyền thống tổ chức các lớp tập huấn. Năm 2018, từ ngày 6/7 đến 4/9, ngành VHTT huyện Đông Anh và xã Xuân Nộn đã tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật tuồng với sự tham gia của 40 học viên là các em học sinh của thôn Đường Yên. Gần 2 tháng tập huấn, các em nhỏ được giảng dạy các làn điệu tuồng cơ bản của tuồng cổ, múa kiếm nam, nữ, múa cung, võ tay không và múa tuồng hát mừng chiến thắng.

Năm học mới đã bắt đầu, để giữ lửa và niềm đam mê, vào những buổi tối nhất định, CLB tuồng đồng ấu lại tập hợp các nghệ sĩ nhí để luyện tập. Còn với những nghệ sĩ nông dân của các CLB, tranh thủ những lúc nông nhàn, họ cũng tập hợp lại, cùng nhau ôn luyện, biểu diễn những trích đoạn, những vở tuồng truyền thống ở sân đình, hay nhà văn hóa cho nhân dân xem. Bằng sự mộc mạc, chân chất, những nghệ sĩ nông dân đã khiến tuồng đi vào lòng người, để tuồng luôn sống và phát triển ở các làng quê của huyện Đông Anh.

Quỳnh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *