Văn hóa cơ sở

Góp phần thiết thực xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, ở nhiều địa phương, văn hóa đọc đã chịu những tác động không nhỏ. Thế nhưng, với cách làm sáng tạo, huyện Thường Tín đã duy trì, phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách báo trong các tầng lớp Nhân dân. Đọc sách báo đã trở thành một nét đẹp, góp phần thiết thực trong xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.

 

Thư viện Bình Vọng là điểm hẹn của nhiều bạn đọc.

            Thường Tín là địa phương có phong trào đọc sách phát triển ở  29/29 xã, thị trấn trong toàn huyện với quy mô sách báo, lượng người đọc ngày càng tăng cao. Tiêu biểu như ở thôn Bình Vọng (xã Văn Bình), thôn Đống Chanh (xã Minh Cường), thôn Vân La (xã Hồng Vân), thôn Lộc Dư (xã Nguyễn Trãi)… Ngoài lượng sách hiện có, mỗi năm hai lần, huyện Thường Tín phối hợp với Thư viện thành phố Hà Nội tổ chức luân chuyển hàng trăm đầu sách tới các tủ sách cơ sở làm phong phú về số lượng và chất lượng sách báo phục vụ bạn đọc.

Phòng đọc sách báo dưới mái đình thôn Đống Chanh hiện sở hữu 1.200 cuốn sách cùng 4 đầu báo. Mỗi năm, phòng đọc thu hút khoảng 8.000 lượt bạn đọc. Điểm nổi bật khi đến với thư viện thôn  Đống Chanh  đó là sách đã không chỉ “gói gọn” trong 4 bức tường của phòng đọc mà đến với từng gia đình bởi sáng kiến “mang sách báo tới tận tay người không có điều kiện đến phòng đọc” . Người có sáng kiến độc đáo đó chính là cụ Nguyễn Ngọc Giám, thủ thư. Không chỉ mở cửa phòng đọc hằng ngày để phục vụ người dân trong thôn đến đọc sách báo, nhiều năm qua, cụ Giám  đã mang sách báo cho nhiều độc giả, từ người bán tạp hóa, thợ cắt tóc, bán hàng ăn. Chính nhờ sáng kiến của cụ Giám mà sách báo đã đến được với những người yêu  văn hóa đọc nhưng  lại có quá ít thời gian. Văn hóa đọc đã được duy trì ở Đống Chanh và lan tỏa ra những thôn khác của xã Minh Cường. Thói quen đọc sách đã giúp cho người dân nơi đây có thêm tri thức phục vụ cuộc sống. Đó cũng chính là nét văn hóa đẹp của làng quê yên bình.

Về với xã Văn Bình,  quy mô của thư viện Bình Vọng khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục.  Đến nay, Thư viện đã có hơn 10  nghìn đầu sách, 5 đầu báo, được sắp xếp theo các chủ đề: Sách văn học, Chính trị- xã hội, Khoa học- Kỹ thuật, Thiếu nhi…đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Trong đó, có nhiều cuốn sách quý.  Hiện nay, mỗi tháng,  phòng đọc đón khoảng 600 bạn đọc. Phòng đọc đã trở thành địa chỉ thân quen để người dân lui tới mỗi ngày, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Từ hiệu quả của thư viện Bình Vọng, mạch nguồn  văn hóa đọc đã được lan tỏa đến cả 3 thôn của xã Văn Bình. Thói quen đọc sách giúp người dân Văn Bình cập nhật được nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là giúp giới trẻ giảm bớt chơi điện tử.

Cán bộ Thư viện huyện chuẩn bị luân chuyển sách cho các thư viện cơ sở.

          Để có nguồn sách báo phong phú phục vụ bạn đọc, ngoài nguồn sách được luân chuyển hàng năm, nhiều thư viện trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả việc xã hội hóa nguồn sách báo, kêu gọi người dân trong thôn hoặc người dân quê đang  sinh sống, làm việc ở các nơi khác tặng sách, báo. Nhiều người đến thư viện tặng sách và thấy hiệu quả thiết thực của thư viện nên không chỉ tự nguyện tặng sách mà còn mời nhiều người cùng tham gia tặng sách cho thư viện. Danh sách người tặng sách được nối dài và số lượng sách báo cũng tăng dần hàng tháng, hàng năm, đáp ứng như cầu của bạn đọc…

Đọc sách, báo là nét văn hóa đẹp. Sách , báo cung cấp cho con người tri thức bổ ích phục vụ cuộc sống. Sách, báo cũng giúp cho tình đoàn kết xóm giềng thêm keo sơn, bền chặt thông qua việc chia sẻ với nhau những bài báo, những cuốn sách hay, những cách làm tốt để phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, những mẹo vặt để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Với cách làm sáng tạo, các thư viện ở huyện Thường Tín đã duy trì, lan tỏa văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Ngọc Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *