Chưa được phân loại

Gương công dân Thủ đô ưu tú: Mãi là thầy thuốc Nhân dân

Trong căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Ngọc Phách, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ (GS.TS.BS) Lê Đức Hinh tiếp đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, hiền hậu. 86 tuổi, ông vẫn đang gắn bó với nghề mà ông đã dành cả cuộc đời cho nó – nghề bác sĩ thần kinh, dẫu rằng ông đang mang trọng bệnh.

GS.TS.BS Lê Đức Hinh tại nhà riêng

Một lòng vì nước, vì dân

Gần 60 năm gắn bó với nghề, GS.TS.BS Lê Đức Hinh đã cống hiến hết mình cho khoa học nói chung, cho ngành khoa học thần kinh nói riêng. Đó là sự kiện những năm 1968 – 1974, dịch viêm não Nhật Bản bùng phát dữ dội tại miền Bắc Việt Nam. Mỗi ngày riêng Bệnh viện Bạch Mai – nơi GS.TS.BS Hinh công tác tiếp nhận từ 8 đến 10 trẻ nhập viện cấp cứu và đều trong tình trạng rất nguy kịch. Tỷ lệ trẻ bị viêm não Nhật Bản tử vong khá cao: Trên 10%. Đau xót chứng kiến những giờ phút cuối cùng của những cháu bé bị tử vong trong vòng tay cha mẹ, ông đã cùng tập thể y bác sĩ khoa thần kinh cùng lao vào làm việc, nghiên cứu cả ngày lẫn đêm, sau những nỗ lực hết mình ấy, tỷ lệ trẻ tử vong giảm xuống còn 5%. Đề tài Luận án Tiến sĩ  “Vài đặc điểm của viêm não Nhật Bản ở trẻ em miền Bắc Việt Nam” năm 1989 đã được ông đúc kết từ những năm tháng chống dịch viêm não Nhật Bản ấy. Đề tài Luận văn đó đã trở thành những kinh nghiệm hữu ích giúp cho các thầy thuốc cả nước trong việc chữa bệnh viêm não. Ngoài ra, khi là Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, ông cùng tập thể các bác sĩ, nhà khoa học trong lĩnh vực thần kinh học đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt. Năm 2000 đánh một dấu mốc quan trọng cho y học nước nhà khi Tổ chức Y tế thế giới chính thức công nhận Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt. Thật không sai chút nào khi nhiều người gọi ông trìu mến: Người bạn của trẻ nhỏ Việt Nam.

Câu chuyện của GS.TS.BS Hinh lại kéo chúng tôi vào những năm tháng chiến tranh, khi ấy không ít lần ông Hinh phải khám chữa bệnh không đèn, không nước, không bàn ghế dưới hầm tối đen, ẩm mốc hay lao ra giữa làn bom đạn để cấp cứu bộ đội phòng không kịp thời. Ánh mắt ông lấp lánh mỗi khi nhớ lại một ca cấp cứu thương binh kịp thời trong chiến tranh, hay cứu sống một em bé đang cận kề cái chết khi mắc bệnh viêm não Nhật Bản hay việc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân bị parkinson…Nhưng vui nhất là khi ông kể chuyện về tuổi thơ, về niềm vui được gặp Bác Hồ. Đó là ngày 20/9/1945, đúng vào Rằm Trung thu, tại sảnh chính của Bắc Bộ phủ, cậu bé Lê Đức Hinh vinh dự là thiếu nhi Thủ đô được đứng cạnh Bác Hồ đọc lời chúc mừng sức khỏe Bác và hứa với Bác, tất cả thiếu nhi Việt Nam theo lời Bác dạy trở thành con ngoan, trò giỏi. Và tấm gương của Người đã theo ông suốt cuộc đời, để ông luôn tự nhắc nhở mình học theo Bác, tất cả vì Nhân dân, phục vụ Nhân dân.

GS Hinh trong một lần khám bệnh

Trong câu chuyện với khách, GS.TS.BS Lê Đức Hinh luôn nhắc đi nhắc lại rằng ông là một người phục vụ – người phục vụ cho Nhân dân. Công lao về y học là công lao của tập thể, ông chỉ là người góp phần. Với quan niệm là người phục vụ Nhân dân nên suốt  đời công tác, cả khi về hưu, tham gia khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế uy tín của Hà Nội ông luôn tận tụy, làm hết khả năng của mình để chữa bệnh cho Nhân dân. Ông bảo, đặc thù của ngành Thần kinh là phải thấu hiểu bệnh nhân, nên mỗi khi thăm khám, ông luôn cố gắng dành thật nhiều thời gian để trò chuyện với họ rồi mới đưa ra kết luận, kê đơn. Bệnh nhân của GS.TS.BS Lê Đức Hinh không chỉ ở Hà Nội mà ở cả nước. Nhiều người từ các tỉnh, thành xa xôi về Hà Nội ăn trực nằm chờ, chỉ mong đến ngày gặp bác sĩ Hinh, được ông thăm khám, chữa bệnh. Khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, ông chọn lựa thuốc vừa hiệu quả, giá cả lại phải chăng. Nhiều người thốt lên rằng nếu đơn thuốc của bác sĩ Hinh lên đến 1 triệu là chuyện lạ ở Việt Nam. Thế đấy, không chỉ phục vụ Nhân dân mà ông còn thương dân, yêu dân vô cùng, chỉ mong sao họ chóng khỏi bệnh mà kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều do việc chữa bệnh.

86 năm tuổi đời, gần 60 năm tuổi nghề, với GS.TS.BS Lê Đức Hinh cũng là gần 60 năm được “phục vụ” cho Nhân dân Thủ đô và cả nước. Cuộc đời ông đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: Những ngày Thủ đô Hà Nội vừa giải phóng; những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước thống nhất và ngày càng phát triển. 60 năm ấy ông cũng góp nhiều công cho y học nước nhà. Ông thật xứng đáng với danh hiệu “Người thầy thuốc Nhân dân”.

Một người Hà Nội tài hoa

GS.TS.BS Lê Đức Hinh sinh năm 1935, ở thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1961 và không lâu sau về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa Thần kinh và Tinh thần cho đến khi về hưu – Trưởng khoa Thần kinh, là Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam. Ông đã được phong hàm Giáo sư Thần kinh học. Ông còn là Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược lâm sàng 108; Giám định viên Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương; Thành viên Hội thần kinh và Phẫu thuật Thần kinh Cuba; Hội Thần kinh học Pháp; Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ; Tổ chức Quốc tế nghiên cứu Não. Hiện nay, ông là đại diện duy nhất Hội Thần kinh học Việt Nam tại Liên đoàn Thần kinh học thế giới WFL…

Song song với nghề thầy thuốc, Giáo sư Lê Đức Hinh cũng là một trong những giảng viên lâu năm về ngành Thần kinh học tại trường Đại học Y. Bao thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh được ông giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án. Và từ mái trường Đại học Y, nhờ kiến thức và tâm huyết của thầy, những người trò lại tỏa đi mọi miền đất nước, làm nghề trị bệnh, cứu người. Vượt ngoài biên giới Việt Nam, Giáo sư Lê Đức Hinh cũng thường xuyên được mời tới tham dự, phát biểu tại các hội nghị thường niên về Thần kinh học ở khu vực và trên thế giới. Tại các cuộc hội nghị, hội thảo, ông đã khẳng định vị thế của ngành thần kinh học Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để dạy học và nghiên cứu khoa học tốt, ông luôn phải cố gắng học, đọc thật nhiều. 86 tuổi, lại bị ung thư nhưng mỗi ngày ông vẫn đều đặn dành khoảng thời gian trước khi ngủ để đọc sách. Ông đã viết nhiều cuốn sách và tài liệu khoa học như:  Sách y học: Động kinh là gì?. Thần kinh học trẻ em. Bệnh Parkinson. Thần kinh học lâm sàng. Tai biến mạch máu não: Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí…Ông còn là tác giả và đồng tác giả của nhiều bài viết trong các sách giáo khoa y học, báo y học, thông tin y học, kỷ yếu công trình đã xuất bản trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Lãnh đạo Thành phố thăm và tặng quà gia đình GS Hinh năm 2020

Theo đồng chí Lê Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy phường Láng Hạ, GS.TS.BS Lê Đức Hinh hàng ngày sống giản dị, cởi mở và chân thành, đối xử rất tốt với mọi người, luôn tận tình và ân cần với người bệnh. Người bạn đời của ông là Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Thị Cẩm Châu chuyên ngành thấp khớp học và là bạn học thân thiết với liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Cả hai ông bà là những người bạn đời, bạn đường gương mẫu, luôn yêu thương, chia sẻ cùng nhau trong công việc, trong cuộc sống và nuôi dạy con cái nên người. Nói về GS.TS.BS Lê Đức Hinh sẽ còn rất nhiều, rất nhiều. Huy chương Vì sự nghiệp sức khoẻ Nhân dân, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019…là những phần thưởng xứng đáng và là sự tôn vinh, đánh giá cao của Nhà nước, của ngành y tế và Nhân dân dành  cho ông.

Thanh Quy

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *