Các loại hình khác

Hà Nội: Nhiều hoạt động văn hóa mừng năm mới 2014

​UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mừng xuân mới Giáp Ngọ 2014 và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Thủ đô đổi mới".

du-xuan-hang-Luoc.jpg
​Việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) mừng xuân mới Giáp Ngọ 2014 và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2014), với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Thủ đô đổi mới" với mục đích tuyên truyên sâu rộng ý nghĩa to lớn của quá trình đấu tranh cách mạng và trưởng thành trong 84 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam; giới thiệu những thành tựu về chính trị, kinh tế – xã hội của Thủ đô năm 2013, nhằm động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014.

Theo đó, trong dịp này, thành phố sẽ trang trí các đường phố, nhất là hệ thống chiếu sáng ở các trục đường chính, khu đông dân cư, cửa ngõ giao thông, công viên, vườn hoa, công trình kiến trúc lớn, khu vực hồ Hoàn Kiếm, Quảng trường Ba Đình; khu vực trung tâm các quận, huyện, thị xã.

Cụ thể, tết Dương lịch, ngày 31/12/2013, tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám có chương trình ca nhạc tạp kỹ quy mô lớn, trong đó có có liên hoan đồng ca hợp xướng của 29 quận, huyện; các hoạt động VHNT tại các địa điểm công cộng nội và ngoại thành.

Dịp tết Âm lịch 2014, đêm giao thừa (tối 30/1/2014) tại khu vực quảng trường Nhà hát lớn, đền Bà Kiệu có biểu diễn chương nghệ thuật quy mô lớn. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức bắn pháo hoa ở một số địa điểm.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức Hội báo Xuân Giáp Ngọ; triển lãm sách, báo, ảnh “Văn hóa người Hà Nội”; các rạp chiếu phim với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Thủ đô đổi mới”; Chương trình “Xuân quê hương” giao lưu với kiều bào ta ở nước ngoài về quê ăn tết; gặp mặt các đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo Thủ đô… Tại các điểm công cộng có tổ chức trang trí hoa cây cảnh, đèn chiếu sáng nghệ thuật; các điểm di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến sẽ mở cửa phục vụ đón nhân dân tham quan.

Các lễ hội sẽ diễn ra tại các điểm di tích, như: Gò Đống Đa, đền Cổ Loa ( huyện Đông Anh), Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng ( huyện Mê Linh), chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), chùa Đậu (huyện Thường Tín), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai).

Nhân dịp này, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng sẽ về các quận, huyện, thị xã biểu diễn phục vụ nhân dân, tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao… tại các khu đông dân cư./.​

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *