Tin tức - Sự kiện

Hà Nội và Warszawa trao đổi kinh nghiệm bảo tồn di tích

 Chiều 29/3, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có buổi trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn di tích lịch sử, di sản văn hóa với Đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Warszawa (Ba Lan), nhân dịp đoàn đến thăm và làm việc với thành phố Hà […]

 Chiều 29/3, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có buổi trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn di tích lịch sử, di sản văn hóa với Đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Warszawa (Ba Lan), nhân dịp đoàn đến thăm và làm việc với thành phố Hà Nội.


Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tặng quà lưu niệm cho bà Ewa Masny-Askanas, Phó Chủ tịch Hội đồng thành phố Warszawa. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Thành phố Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa và gần 2.000 di sản phi vật thể, trong đó một số di sản được UNESCO vinh danh di sản thế giới. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, nhiệm vụ của ngành văn hóa là bảo tồn, phát huy tốt di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Tuy nhiên, Hà Nội gặp ba vấn đề khó khăn là: Di tích hình thành đã lâu, qua tác động của thời gian và thời tiết nên bị xuống cấp nghiêm trọng; trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị, cơ quan quản lý gặp khó khăn về cách thức bảo tồn, quy trình, công nghệ bảo tồn; thành phố đang gặp khó khăn về nguồn lực bảo tồn do số lượng di tích lớn.

Bà Ewa Masny-Askanas, Phó Chủ tịch Hội đồng thành phố Warszawa và các thành viên trong đoàn chia sẻ, sau thế chiến thứ 2, di sản ở Warszawa gần như bị phá hủy hoàn toàn và phải xây lại từ đầu. Vì vậy, di tích ở Warszawa có lịch sử từ 40 – 60 năm nhưng cũng có di tích như phố cổ đã được công nhận di sản thế giới.

Buổi làm việc giữa Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Warszawa. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Cũng tương tự ở Việt Nam, di tích ở Ba Lan cũng chia thành nhiều loại, trong đó có cả di tích thuộc nhà nước quản lý và di tích do tư nhân quản lý. Dù nhà nước hay tư nhân quản lý thì việc bảo tồn, tu sửa phải được phép của nhà nước.

Các không gian di tích của thành phố được quản lý chặt chẽ, không được treo biển quảng cáo. Không chỉ ở Hà Nội mà ngay cả Warszawa cũng gặp khó khăn về kinh phí bảo tồn di tích. Mặc dù ở Warszawa khi phá hủy di tích bị phạt rất cao nhưng quá trình thực hiện mất nhiều thời gian nên khi áp dụng thì nhiều di tích đã bị phá hủy.

Tại buổi làm việc, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đánh giá cao công tác bảo tồn di sản văn hóa của Warszawa; đồng thời đề nghị Đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Warszawa hợp tác, chia sẻ trong công tác bảo tồn di tích; giới thiệu những chuyên gia am hiểu bảo tồn của Ba Lan sang giúp, đào tạo nhân lực về bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho thành phố Hà Nội

Nguồn TTXVN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *