Gia đình

Hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc

Ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, trước hết từng “tế bào” phải phát triển lành mạnh, bền vững.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Đại hội XI của Đảng xác định: “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc chính là “tế bào lành mạnh”, tạo thành “nền tảng vững chắc” cho một xã hội xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc. Ảnh minh hoạ: Internet.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Từ xa xưa, văn hoá ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng: Gia đình phải có gia giáo; gia lễ; gia pháp; gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt. Văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt đề cao và rất coi trọng. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em. Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn.
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nước ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Tuy vậy, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các mối quan hệ gia đình ở Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc. Bên cạnh sự phân giải của những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, sự du nhập của những quan niệm và nhận thức về gia đình từ bên ngoài, chúng ta cũng chưa hình thành được một cách vững chắc những giá trị và chuẩn mực mới trong các mối quan hệ gia đình tạo ra những nhiễu loạn giá trị. Những nhiễu loạn giá trị trong quan hệ gia đình sẽ được khắc phục dần khi chúng ta chính thức bước vào xã hội công nghiệp cùng với những quy chuẩn về kinh tế – xã hội của xã hội này. Cần phải dựa trên những nguyên tắc ứng xử trong gia đình nhằm định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể không chỉ phát huy được vị trí và vai trò của gia đình đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mà còn chủ động xây dựng những chuẩn mực và giá trị gia đình mới phù hợp với xã hội hiện đại.
Có rất nhiều nguyên tắc trong ứng xử trong gia đình nhưng các nguyên tắc sau đây là cốt lõi, làm kim chỉ nam giữ cho đời sống trong gia đình được an lành và hạnh phúc, đó là: Tình yêu thương, sự bình đẳng, sự tôn trọng, sự chia sẻ, xoá bỏ cái tôi… Đầu năm 2019, Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch đã ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với 12 tỉnh, thành được chọn thí điểm. Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, Nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, Yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, Lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, Chia sẻ.
Sự ra đời của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng như việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước về xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã và đang góp phần từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hoá ứng xử trong gia đình, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Ứng xử của các thành viên trong gia đình với các thành viên hay với các mối quan hệ khác ngoài xã hội là hình ảnh phản chiếu tấm gương gia phong của từng gia đình.
Năm 2020 báo cáo Chỉ số hạnh phúc cho thấy Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 83. Như vậy thứ bậc của Việt Nam đã tăng lên đáng kể (11 bậc) so với năm 2019 và năm 2018. Được biết Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được biên soạn hàng năm bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN Sustainable Development Solutions Network). Báo cáo bao gồm 156 quốc gia và dựa vào 6 chỉ số hạnh phúc, bao gồm: thu nhập, tự do, tin tưởng, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng. Mỗi tiêu chí trên được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 10, được theo dõi liên tục và so sánh với các quốc gia khác.
Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước tới đời sống nhân dân thông qua việc ban hành các văn bản, các chính sách an sinh nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếm thế trong xã hội. Đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.

Kiều Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *