Di sản – Bảo tồn

Hát Môn đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn

Ít ai biết rằng, địa phương “nhất làng nhất xã” này lại là cái nôi văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách địa phương với 4 di tích xếp hạng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, xã Hát Môn được biết đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng và Lễ hội truyền thống đền Hát Môn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ít ai biết rằng, địa phương “nhất làng nhất xã” này lại là cái nôi văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách địa phương với 4 di tích xếp hạng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Đặc biệt, chính quyền địa phương xã luôn quan tâm và coi trọng nhiệm vụ bảo tồn các di tích, góp phần xây dựng nét văn hóa của dải đất xứ Đoài trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) rộng tới hơn 3ha, tọa lạc trên khu đất cổ có thế long chầu hổ phục, phía trước là gò con Rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Theo sách “Lĩnh Nam chích quái” thì Đền được xây dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa thân vào cõi bất diệt, do đó đây là ngôi đền cổ nhất trong hệ thống đền thờ Hai Bà. Trong đền còn nhiều cổ vật quý giá có giá trị lịch sử và mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê – Nguyễn.

 

Đền Hát Môn.

Ở Hát Môn hiện tại có 4 di tích đã được xếp hạng gồm: đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng, Phủ thờ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì, đền Đức Thánh Thủy và chùa Bảo Lâm. Trong đó, ngoài di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, Phủ thờ Quận Công Nguyễn Ngọc Trì đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2016. Tại Lễ hội truyền thống đền Hát Môn năm 2017, 2 di tích chùa Bảo Lâm và đền Đức Thánh Thủy vinh dự được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố.

Từ nhiều năm qua, Đảng ủy – UBND xã Hát Môn luôn coi trọng nhiệm vụ phát huy và bảo tồn các giá trị di tích lịch sử có trên địa bàn. UBND xã đã chỉ đạo thành lập mỗi di tích có một Ban quản lý di tích với cơ cấu theo đặc điểm riêng của từng di tích. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của UBND, UBMTTQ, công chức văn hóa xã hội, các cụ cao niên, đại diện dòng họ tham gia trong thành phần Ban quản lý. Đặc biệt, các di tích hoạt động có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của UBND xã, luôn thực hiện đúng theo các quy định hoạt động do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định.

Người dân Hát Môn tự hào bởi mảnh đất thiêng nơi đây được Hai Bà Trưng và nghĩa quân chọn làm nơi lập đàn thề phất cờ khởi nghĩa, cũng là nơi Hai Bà gieo mình trên dòng sông Hát trở về cõi vĩnh hằng. Cũng bởi nét độc đáo đó, Hát Môn là một làng đặc biệt tại Việt Nam khi có tới 3 lễ hội lớn trong một năm. Ngày mùng 6/3, đền mở cửa, thắp hương tế lễ. Hội ngày mùng 4/9 kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng khao quân khi rút quân ở Tây Hồ về. Trải qua thời gian và không gian của lịch sử, chính quyền và nhân dân xã Hát Môn luôn dành sự kính trọng, tôn thờ đến các vị anh hùng của dân tộc, đến các bậc thánh nhân có công đánh giặc cứu nước, dạy dân làm ăn và phù hộ cho quốc thái dân an, muôn đời con cháu thịnh vượng.

Ngoài 4 di tích trên, ở Hát Môn còn có 2 điểm tâm linh thờ Thành Hoàng Làng, còn gọi là 2 quán thờ: quán thờ Đức Ông và quán Cả. Hiện UBND xã cũng khôi phục lại di tích Văn Chỉ – nơi ghi danh tên các bậc nhân tài của quê hương.

Tục rước bánh trôi dâng Hai Bà tại Lễ hội đền Hát Môn.

 Có thể thấy, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, không có địa phương nào lại có nhiều di tích và lễ hội, ngày tổ chức dâng hương tế lễ như ở xã Hát Môn. Những kết quả trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, chính quyền và nhân dân xã Hát Môn đã và đang góp phần quảng bá mảnh đất Phúc Thọ anh hùng đến với bạn bè quốc tế, với nhân dân cả nước, hướng tới xây dựng nơi đây thành vùng du lịch tâm linh của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

                                                                                        Hoàng Thoàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *