Văn hóa cơ sở

Hoàn Kiếm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Qua 5 năm thực hiện “Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015”, quận Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: 100% thanh thiếu niên […]

Qua 5 năm thực hiện “Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015”, quận Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống, công việc, học tập phù hợp với lứa tuổi, 100% cán bộ đoàn đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật mới và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, 80% thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật.

quan Hoan Kiem
Trong 5 năm, Quận đã tổ chức 200 buổi hội thảo, 42 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, 125 buổi truyền thông, tọa đàm, giao lưu, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ; 19.200 buổi phát thanh tuyên truyền về pháp luật; gần 1.000 pano, băng rôn, khẩu hiệu cho thanh thiếu niên trong các trường học, biên soạn 46 đề cương pháp luật, phát hành 553.128 tài liệu tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận. Quận đã triển khai nhiều mô hình phổ biến sáng tạo hiệu quả như đối với hình thức tuyên truyền miệng thì đổi mới phương pháp giới thiệu văn bản pháp luật theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền nhằm nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong việc tiếp nhận kiến thức pháp luật; đẩy mạnh phong trào, các cuộc vận động như Phong trào “4 đồng hành, 5 xung kích” trong thanh niên, Phong trào “Thanh niên tình nguyện”, cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, các lễ ra quân hưởng ứng “Năm thanh niên”, “Tháng thanh niên”, “Mùa hè thanh niên tình nguyện”…. Quận tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật qua triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, hoạt động trợ giúp pháp lý, sinh hoạt câu lạc bộ… Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận đã thành lập 45 câu lạc bộ tại các chi đoàn cơ sở như: Câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội phạm,… phối hợp với các tổ chức đoàn cơ sở tổ chức 2.700 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với 5.400 lượt người tham dự.

1Một hội nghị tuyên truyền về phòng chống ma túy do UBMTTQ quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Đối với thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, Công an các phường phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, gia đình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong việc theo dõi, hướng dẫn các thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tự rèn luyện bản thân, tham gia các hoạt động cộng đồng. Lực lượng cảnh sát khu vực thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, thực hiện phổ biến pháp luật, tổ chức ký cam kết và nhận xét thực hiện cam kết đối với thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hàng tháng. Ban chấp hành Đoàn các phường đã phối hợp với Công an phường, Đội hoạt động xã hội tình nguyện tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ như Câu lạc bộ B93, Câu lạc bộ thanh thiếu niên phòng chống tội phạm, các buổi sinh hoạt chi đoàn, các hoạt động tuyên truyền lưu động để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật với thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong 5 năm, UBND các phường tổ chức được 120 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Có thể nói, việc thực hiện Đề án thời gian qua đã tạo sự chuyển biến về chất trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đa số thanh niên trên địa bàn quận được trang bị những kiến thức pháp luật, có nhiều chuyển biến tích cực cả về ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức lối sống, nâng cao nhận thức, hạn chế các vi phạm pháp luật do không hiểu biết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở một số nơi vẫn còn mang nặng hình thức, chưa tạo hiệu quả tích cực theo chiều sâu; nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên còn thiếu ý thức trong việc chủ động trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ. Tình trạng thanh niên thiếu việc làm, tay nghề thấp, thu nhập chưa cao, môi trường lao động và điều kiện sống còn khó khăn nhưng muốn làm giàu nhanh chóng, bằng mọi cách đã và đang tác động tiêu cực tới một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, dẫn tới các vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên trên địa bàn vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó, điều quan trọng là cần tiếp tục triển khai việc thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.

Vũ Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *