Di sản – Bảo tồn

   Hoàng Thành Thăng Long – di sản văn hoá thế giới

Ngày 1 tháng 8 năm 2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: là minh chứng đặc sắc về quá trình giao […]

Ngày 1 tháng 8 năm 2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia, là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng qua các thời kỳ lịch sử, có mối quan hệ giao lưu với khu vực và thế giới.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

 Cách đây hơn 10 thế kỷ, khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, vua Lý Công Uẩn ( Lý Thái Tổ) đã cho xây dựng lại thành Thăng Long trên nền của toà thành Đại La cũ. Thành Thăng Long gồm: Vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Trải qua hơn 1000 năm, kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã chứng kiến biết bao đổi thay bởi các triều đại Phong kiến. Các cuộc chiến tranh cũng đã phá huỷ, chôn vùi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, nhưng dấu tích khu Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó. Ở khu trung tâm vẫn hiển hiện bóng dáng của toà thành cổ hình vuông được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn vào năm 1835. Các tên gọi cổng thành xưa vẫn được dùng đặt tên cho các con phốxung quanh thành cổ như: cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông…Dẫu không còn những cung điện, song vẫn còn đó một số công trình di tích dọc theo trục trung tâm của khu Hoàng thành cũ như: Cửa Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu. Tại di tích Điện Kinh Thiên ở trung tâm Hoàng thành vẫn còn đôi rồng đá nguyên khối có từ thời Nhà Lê (thế kỷ 15). Cổng thành cửa Bắc cùng những đoạn tường thành Hà Nội còn khá nguyên vẹn. Một công trình di tích nổi bật là cột cờ Hà Nội xây dạng hình tháp, cao hơn 33 mét vẫn vững chãi theo thời gian.

1
Năm 2010, đúng dịp Hà Nội kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện thêm dưới lòng đất nhiều công trình kiến trúc, di tích, di vật khảo cổ vô cùng quý giá về Hoàng thành Thăng Long. Đây là những bằng chứng khoa học khẳng định nơi đây liên tục là trung tâm kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.

2

Khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long

Cùng với những di tích kiến trúc độc đáo, hàng chục ngàn hiện vật tiêu biểu cho các tầng văn hoá các thời kỳ được phát hiện đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Khu vực trung tâm Hoàng Thành hiện có một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và công trình Nhà D67 với các di tích hầm ngầm, phòng họp dưới lòng đất. Nhà D67 chính là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Quân Uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những công trình này cho thấy, tất cả các cơ quan quyền lực cao nhất qua nhiều thời kỳ lịch sử đều chọn nơi đây làm trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực của đất nước. Giá trị nổi bật nhất của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội chính là “bộ lịch sử sống” chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.

Từ năm 2010 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ Khu trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long, trong đó có việc tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, tăng cường nghiên cứu làm rõ giá trị các di tích kiến trúc thời Tiền Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

Trong năm 2013, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chủ trì phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện khai quật tại khu vực xây dựng đường hầm và bãi đỗ xe của công trình Nhà Quốc hội và mở rộng khai quật khu vực Điện Kính Thiên. Thành phố cũng giao Trung tâm bảo tồn di sản thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, đảm bảo an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp phía Bắc, Đông và Nam khu di sản, đồng thời chỉ đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý để hoàn thành dự thảo kế hoạch quản lý khu di sản…

Năm 2016, để tiếp tục phục vụ cho việc phục hồi và bảo tồn khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và bổ sung một số hạng mục dự án quy hoạch khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Theo đó, giai đoạn I sẽ tiến hành chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao thuộc khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Thời gian  thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2018. Mục tiêu của dự án là nhằm tạo mặt bằng sạch, cảnh quan thông thoáng, liên thông các điểm di tích từ Bắc Môn đến Kỳ Đài. Cải tạo, trùng tu các công trình kiến trúc phù hợp với chức năng mới của khu di sản. Với quy mô xây dựng bao gồm: Tháo dỡ, hạ giải nhà cấp 4, nhà tạm không còn giá trị lịch sử; tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị; tôn tạo sân vườn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 10.668m2 khu vực phía Bắc Thành cổ Hà Nội…

Đạt Minh (T/hợp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *