Lễ hội

Hội bơi chải truyền thống làng Yên Duyên

Rằm tháng Tám hàng năm, người dân làng Yên Duyên (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) lại tổ chức Hội bơi chải truyền thống. Đây là lễ hội dân gian lớn nhất của làng, xuất hiện từ thế kỷ XI, gắn với truyền thuyết về tình yêu dang dở giữa vua Lý Nhân Tông và công chúa Thủy Cung.

Lễ hội bơi chải hàng năm được tổ chức tại hồ Tích Thủy.

Ngày nay, tham gia bơi chải còn có đông đảo chị em phụ nữ

Yên Duyên là một làng cổ rộng lớn, có từ hàng ngàn năm qua. Tên Nôm của làng Yên Duyên, làng Mui, rồi làng Mui Chùa. Làng ở vào vị trí hiểm yếu án ngữ đường thuỷ phía Nam kinh thành Thăng Long. Đầu thế kỷ 19, Yên Duyên thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 2003, Yên Duyên thành phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Yên Duyên còn có tên gọi nữa là An Duyên. Tên gọi này bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông (1066-1128) trong một chuyến đi kinh lý đến đất này thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa sông Hồng. Nhà Vua nghĩ có lẽ đây là bậc nữ nhi tài kiệt được trời phái xuống cùng ta giúp nước như phụ vương ta đã gặp thân mẫu Ỷ Lan chăng? Dù được mời gọi, cô gái ấy không vào bờ mà bơi tròn 3 vòng thuyền rồi hát một câu:

Trăm lần thiếp phụ quân vương

Thuỷ cung cách trở âm dương du mà

Cô cùng con thuyền bỗng từ từ chìm xuống nước, chỉ để lại trên mặt sóng một vệt phù sa đỏ như vệt máu. Sau đó nhà vua truyền mời tất cả các cụ bô lão trong làng Mui lên quãng đê này, kể lại sự việc cho họ nghe, cho rằng đó là công chú con vua Thủy Tề. Người gợi ý cho dân lập Nghè thờ ngay chỗ công chúa vừa hoá thân và phong hiệu cho công chúa là Thần tiên mỹ nữ, tự Đại vương. Hôm ấy là ngày Rằm tháng Tám. Có lẽ vì mối nhân duyên không thành, để giữ lại một kỷ niệm đẹp, Vua Lý Nhân Tông liền đổi tên làng là An Duyên, ngụ ý rằng đây là mối tình đẹp đẽ, yên bình, yên ả ra đi.

Nhân dân làng An Duyên xây dựng Nghè thờ công chúa gọi là Nghè Bà và hội bơi Chải làng Yên Duyên được tạo dựng từ đó, khoảng thế kỷ XI, để tưởng nhớ tới nàng công chúa này . Hàng năm, cứ vào rằm tháng 8, làng Yên Duyên, phường Yên Sở quận Hoàng Mai lại mở hội bơi Chải để nhắc lại sự tích nhà vua họ Lý và công chúa thuỷ cung duyên lứa chẳng thành với tất cả nghi thức thành kính tôn nghiêm. Vì vậy, nội quy bơi Chải đặt ra khá nghiêm ngặt với tất cả những ai được tuyển vào đội bơi phải kiêng “trần tục” trước 7 đến 9 ngày, ăn tập trung, ngủ tập trung tại nhà phe, nhà giáp, để ngày bước xuống Chải được tinh khiết. Hội bơi được mở trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 8 (âm lịch): Ngày đầu bơi thờ (làm lễ khai quang chải và các cụ bô lão bơi vòng quanh lêu một vòng), ngày thứ hai bơi lèo (giải vòng loại để chọn các đội xuất sắc vào vòng chung kết), ngày thứ ba bơi giải.

Các khu dân cư (KDC) trong phường Yên Sở tập hợp trước giờ bơi chải.

Chuẩn bị cho hội bơi chải làng cử ra một lão trượng mặc áo dài đỏ, đội khăn xếp vàng, dây đai lưng màu, bước lên chòi trống hình tám mái như trên thuyền rồng, có kết hoa và dải lụa vòng quanh. Cụ trượng sẽ là người đánh trống. Mở đầu là một hồi trống hiệu lệnh 3 hồi 9 tiếng cho tất cả trai bơi của 8 giáp tề tựu trong lòng chải. Mỗi người tay lăm lăm một dằm bơi chải, chờ nghe trống xuất phát. Tham dự cuộc đua bơi có 8 đội (8 chải bơi) của 8 giáp với trang phục màu sắc khác nhau. Mỗi đội bơi gồm 18 người, trong đó có 16 tay bơi. Xưa kia chỉ có các đội bơi nam, ngày nay còn có cả các đội bơi nữ. Đội bơi nữ gồm 16 người, trong đó có 14 tay bơi. Theo quy định thì cứ 4 đội bơi một lượt (một lèo), mỗi lèo bơi 3 vòng để xác định đội Nhất, Nhì, Ba, Tư. Có năm địa phương cử mỗi khu dân cư có 4 đội tham gia, gồm: Đội thanh niên, đội trai đinh, đội phụ nữ và đội người già. Trai đinh và thanh niên đua ba vòng, đội phụ nữ và đội người già thì đua hai vòng. Một chải có mười sáu người bơi chính, ngoài ra có thêm ba người nữa ( một người phụ trách lái chèo ở phía cuối thuyền, một người ở đầu thuyền giữ nhịp và một người phụ trách tát nước).

Bơi chải gây sự hồi hộp, hấp dẫn cho người xem, lại được phụ hoạ bằng tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng cười, tiếng hò reo, tiếng người dẫn chương trình khiến không khí vô cùng sôi động. Những chiếc chải đua bơi như những con rồng màu phăng phăng lướt sóng. Chải bơi được thiết kế theo kiểu đầu rồng, đuôi tôm, sơn son thếp vàng, dài 10 mét, rộng 1,5 mét. Mặt hồ Tích Thuỷ bỗng ồn ào bởi tiếng hò reo, cổ vũ, tiếng mái chèo khua nước và rực rỡ màu sắc bởi trang phục của các tay bơi. 4 chiếc chải đua như 4 con rồng, mỗi con một màu sắc, đầu đuôi được sơn son thếp vàng, treo băng cờ nhiều màu trông thật hùng dũng, đẹp mắt.

Điều khiến người ta kiêng kỵ nhất trong đua bơi chải là chuyện đắm chải. Như thế là điềm gỡ, là dấu hiệu xui xẻo. Khi ấy các cụ trong làng phải sắm lễ ra Nghè cầu Bà Chúa phù hộ hoặc ngắm đường lêu, thấy cắm không đúng hướng giữa đình làng và Nghè Bà là phải cắm lại.

Hội bơi chải truyền thống Yên Duyên là một nét đẹp văn hoá của vùng quê sông nước, nó đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sự dẻo dai, dũng cảm của con người trước thiên nhiên và nó cũng thể hiện tinh thần đồng đội, tính cộng đồng, gắn kết của người dân.

Sau năm 1954, trong một thời gian dài hội bơi chải Yên Duyên đã bị mai một. Đến năm 1990 hội bơi chải Yên Duyên đã được khôi phục lại và được Hoàng Mai chọn là một trong những hoạt động văn hoá – thể thao tiêu biểu của quận.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *