Tin ngành

Hội thảo “Phát huy giá trị tài liệu địa chí Thăng Long – Hà Nội phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô”

Sáng 15/11, Thư viện Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát huy giá trị tài liệu địa chí Thăng Long – Hà Nội phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô”.

Tham dự hội thảo có: Bà Nguyễn Hoài Thu – Chuyên viên chính Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; TS Nguyễn Trọng Phượng – Trưởng phòng Nghiên cứu và Hướng dẫn nghiệp vụ Thư viện Quốc gia Việt Nam; TS Lê Văn Viết – nguyên PGĐ Thư viện Quốc gia Việt Nam; Ông Phạm Thế Khang – nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; Ông Nguyễn Khắc Lợi – nguyên PGĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.


Toàn cảnh hội thảo

Tài liệu địa chí Thăng Long – Hà Nội không chỉ là di sản phi vật thể về văn hiến cần lưu giữ và phát huy mà còn là nguồn lực và tiềm năng thông tin vô giá, thể hiện giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, đồng thời là phương tiện tri thức, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và sản xuất, góp phần xây dựng con người Thủ đô. Thư viện Hà Nội đã xác định vị thế đặc biệt của mình khi lấy hoạt động địa chí là mục tiêu đặc thù và mũi nhọn. Đến nay, Thư viện Hà Nội đã thu thập được hơn 20.000 tài liệu địa chí, bao gồm: sách, báo, tạp chí, ảnh, bản đồ, thác văn bia, tài liệu điện tử…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thế Khang- nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Hà Nội đang xây dựng Thủ đô khởi nghiệp, Thư viện Hà Nội là nơi có nguồn tài liệu địa chí lớn nhất về Thăng Long- Hà Nội, do đó việc phát huy giá trị tài liệu địa chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, cần thực hiện việc số hóa kho tài liệu địa chí Hà Nội, áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin cho mục đích khởi nghiệp của các doanh nghiệp, doanh nhân, thanh niên và những người có mong muốn khởi nghiệp tại Thủ đô.

Ông Phạm Thế Khang – nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo TS Lê Văn Viết- nguyên PGĐ Thư viện Quốc gia Việt Nam, hiện nay, hoạt động địa chí trên thế giới không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm, thu thập mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu, xây dựng vốn tài liệu về địa phương, vốn tài liệu về gia phả, dòng họ nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa xã hội. Thư viện Hà Nội có thể tiến hành xây dựng những ấn phẩm về địa chí Thăng Long – Hà Nội cũng như tổng hợp, giới thiệu những cuốn sách về địa chí đăng tải lên website thư viện, phục vụ công chúng Thủ đô.
Ông Nguyễn Khắc Lợi- nguyên PGĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, cần phát huy giá trị tài liệu dư địa chí bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, chú trọng công tác địa chí đối với mạng lưới thư viện quận huyện và cả hệ thống thư viện tư nhân. Bên cạnh đó, việc phát triển kho tài liệu địa chí cần phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể, đặc biệt là cơ chế, chính sách, quy định đối với các cơ quan quản lý và cơ quan phát hành.

Minh Trang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *