Tin ngành

Họp thẩm định, góp ý cho bản thiết kế “Trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám”

Chiều 12/4, Hội đồng chuyên gia thẩm định đã họp đóng góp ý kiến cho bản thiết kế “Trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám” của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Đỗ Đình Hồng chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; ông Hoàng Quốc Việt – Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Trương Quốc Toàn – Trợ lý giám đốc cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam; bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Patrick Hoarau – Trưởng nhóm thiết kế trưng bày; cùng tập thể ban lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Đỗ Đình Hồng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe ông Patrick Hoarau trình bày thiết kế Trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám với 2 không gian: không gian trong nhà (khu trưng bày) do ông Patrick Hoarau phụ trách thiết kế và ngoài trời (khu vườn) do bà Amelie Creise phụ trách thiết kế.

Thiết kế tổng thể không gian trong nhà được thực hiện tại nhà Tả Vu khu Bái Đường với 3 phần: Phần tường bao, Khoang thông tin và phần Thư pháp. Phần tường bao sẽ truyền tải câu chuyện bằng hình ảnh, đồ họa và hiện vật,… khái quát lại sự hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trải dài từ thời Lý đến ngày nay. 6 khoang thông tin được tạo ra giữa các cánh cửa khi mở, sẽ được sắp đặt theo từng chủ đề cụ thể, tương ứng với câu chuyện trên tường bao đối diện. Phần Thư pháp được treo ở giữa không gian triển lãm, là nội dung của một số bài thơ, hoặc câu trích có giá trị của các danh nhân nổi tiếng được thể hiện qua chữ Hán, chữ Quốc ngữ. Những bức thư pháp này không chỉ có giá trị về thẩm mĩ, mà còn là những bài học, những lời nhắc nhở tới khách tham quan. Nội dung trưng bày không chỉ được thể hiện qua các pano giới thiệu mà còn sử dụng những hình vẽ minh họa sinh động, dễ ghi nhớ, gây ấn tượng kết hợp với các thiết bị công nghệ: âm thanh, màn hình, ánh sáng và các hoạt động trải nghiệm nhằm diễn giải thông tin một cách đầy đủ và hấp dẫn tới khách tham quan. Bản thiết kế cũng được các tác giả chú trọng đến vật liệu sử dụng thân thiện môi trường và phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Thiết kế tổng thể không gian ngoài trời tại vườn ươm được chia thành 4 khu: Khu 1 “Lớp học xưa” mô phỏng một lớp học của thầy đồ ở quê, với những hình ảnh quen thuộc như: lớp học mái lá, vườn cây, giếng nước,… Khu 2: “Lều chõng đi thi, trường thi” mô phỏng cảnh sĩ tử lên đường đi thi với ống sách, hòm sách, gánh sách,… cùng bối cảnh trường thi, quan giám thị,… Khu 3 “Buổi bình văn trong trường Giám” mô phỏng một buổi bình văn trong trường Quốc Tử Giám. Đây là một gian gian mở linh động, dễ dàng thay đổi công năng, sử dụng vào các buổi sự kiện, tour diễn,… Khu 4 “Vinh quy bái tổ” mô phỏng cảnh sĩ tử đỗ đạt cao và được kiệu đưa rước về quê. Tại đây, khách tham quan có thể hòa mình vào không gian xanh rộng lớn với bối cảnh vinh quy bái tổ.

Hội đồng đã nghe ông Patrick Hoarau trình bày thiết kế Trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám.

Tại cuộc họp, các nhà khoa học và các chuyên gia trong Hội đồng đã đóng góp ý kiến cho thiết kế Trưng bày. Các ý kiến đều đánh giá cao tinh thần làm việc và sự sáng tạo của nhà thiết kế với bản thiết kế trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, các nhà khoa học và chuyên gia cũng đưa ra những ý kiến đóng góp xác đáng để hoàn thiện thiết kế trưng bày phù hợp với di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tại cuộc họp, các nhà khoa học và các chuyên gia trong Hội đồng đã đóng góp ý kiến cho thiết kế Trưng bày.

Kết luận tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thẩm định Đỗ Đình Hồng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, những trao đổi của nhà thiết kế về việc hoàn thiện bản thiết kế trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ và nhấn mạnh đến những nguyên tắc thực hiện trong trưng bày không được ảnh hưởng, tác động xấu đến di tích mà phải tôn vinh, bổ sung và “làm giàu” thêm những giá trị văn hoá cho di tích, đồng thời phải thể hiện rõ được những giá trị về đạo học.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thẩm định Đỗ Đình Hồng kết luận tại buổi làm việc.

Đơn vị thiết kế và Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần chú ý đến nội dung trưng bày, hình thức thể hiện, chất liệu sử dụng, âm thanh, ánh sáng, công nghệ… phải đảm bảo tính khả thi và đảm bảo sự hài lòng của khách tham quan. Ông Đỗ Đình Hồng cũng đề nghị Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đơn vị thiết kế tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong Hội đồng đã nêu lên để thực hiện Trưng bày cho phù hợp và đạt hiệu quả.

Dự kiến Trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám do Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực hiện sẽ được triển khai thi công vào tháng 6/2022.

Thái Hoà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *