Văn hóa

Huyện Ba Vì Bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Ba Vì có 7 xã miền núi gồm: Tản Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa và Ba Vì với 6.583 hộ (bằng 41% tổng số hộ) tương đương 67.987 người là dân tộc thiểu số. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của […]

Ba Vì có 7 xã miền núi gồm: Tản Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa và Ba Vì với 6.583 hộ (bằng 41% tổng số hộ) tương đương 67.987 người là dân tộc thiểu số. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Ba Vì đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì.

Cồng chiêng là giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Mường

          Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các lễ hội, sưu tầm, bảo quản hiện vật mà nhiều bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn được quan tâm như: trang phục, nhạc cụ và tiếng nói, đặc biệt là của đồng bào Mường, Dao. Với mỗi dân tộc đều có một loại nhạc cụ thể hiện bản sắc của mình. Đối với người Mường, cồng chiêng là giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Mường. Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, ngoài ý nghĩa âm nhạc còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Người Mường có nhiều lễ hội sử dụng cồng chiêng như: lễ mừng nhà mới, thành hôn, khai hạ. Việc sử dụng cồng, chiêng dân tộc Mường tại Ba Vì chủ yếu là phụ nữ. Nét đặc trưng của người Mường huyện Ba Vì còn được thể hiện trên trang phục. Không màu sắc rực rỡ, song trong trang phục Mường lại có một vẻ đẹp riêng theo phong cách đơn giản, hết sức tinh tế với những nét nổi bật không pha lẫn các dân tộc khác. Đàn ông, thường mặc áo cánh phủ kín mông, xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần lá ống rộng, dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Trang phục nữ người Mường thường là áo pắn. Váy của người Mường là váy đen dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật, do người con gái Mường tự dệt nên.

 

Với người Dao, chuyện ăn mặc của phụ nữ rất được cọi trọng. Ngay từ bé, các cô gái Dao đã được mẹ dạy cho cách thêu thùa, ăn mặc sao cho đẹp, duyên dáng. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao gồm: Áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu. Áo thường có bộ khuy quý bằng bạc hình tròn chạm khắc tinh vi. Cổ áo của người phụ nữ Dao được trang trí bằng núm bông hoa đỏ như nắm tay nổi bật trên nền áo chàm xanh đằm thắm. Yếm của người Dao khá đơn giản, chỉ là một vuông lụa trắng đính một miếng vải hình tam giác làm cổ yếm. Xà cạp có hình hoa văn móc câu hay răng cưa hình chim. Để bộ trang phục thêm hoàn mỹ, họ thường dùng nhiều loại khăn vấn đầu và đồ trang sức làm cho bộ trang phục của mình thêm sang trọng thường được dùng như: Vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, các đồ trang sức bằng bạc hình bán cầu, hình sao 8 cánh.

Phụ nữ Dao với trang phục truyền thống

           Kết quả thực hiện đề án bước đầu đã củng cố, hình thành hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao phong phú, đậm đà bản sắc truyền thống. Đó là việc phục dựng lại lễ hội Tản Viên Sơn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản, củng cố lại các đội cồng chiêng, tết Nhảy, múa Chuông, múa Rùa, bắn nỏ, hát Ru… Nhiều nét văn hóa của dân tộc thiểu số bị mai một đang từng bước được khôi phục như tiếng nói, trang phục, hát sắc bùa, múa Mường cổ, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường, lễ cấp sắc của người Dao. Cùng với đó, chính quyền địa phương tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Các xã tiêu biểu trong việc tích cực tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với nhiệm vụ bảo tồn giá trị truyền thống trên địa bàn là: Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại và Ba Vì…
Huyện Ba Vì từng bước quan tâm xây dựng làng văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với nghề thủ công truyền thống, các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa và du lịch cộng đồng, tăng cường đầu tư về nhân lực và tổ chức, xã hội hóa công tác bảo tồn, góp phần phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, có cơ chế ưu tiên cho hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức bảo tồn và tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền dạy về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào, trang phục và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đề cao phong trào tự học, tự truyền dạy cho nhau trong cộng đồng, thông qua các hoạt động liên hoan văn hóa văn nghệ dân tộc thiểu số, thi đấu thể thao và trò chơi dân gian truyền thống.

Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa DTTS huyện Ba Vì là một định hướng đúng đắn, quan trọng, giúp cho vùng đồng bào DTTS huyện Ba Vì gìn giữ những nét bản sắc văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.

                                                                      Khánh Vân


 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *