Nếp Sống văn hoá

Huyện Thạch Thất thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang năm 2022

Căn cứ tình hình dịch COVID-19, các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thực hiện giảm quy mô, hoãn hoặc dừng tổ chức cưới theo sự chỉ đạo của trung ương, thành phố và huyện để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày; không mời khách trong giờ làm việc…

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Thạch Thất có những biểu hiện chủ quan, lơ là của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Để tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, UBND huyện Thạch Thất ban hành Kế hoạch thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang năm 2022.

Huyện Thạch Thất tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên cơ sở đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Nguồn: Internet

Theo đó, UBND huyện yêu cầu việc tổ chức lễ cưới phải thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc, hoàn cảnh hai gia đình. Căn cứ tình hình dịch COVID-19, các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thực hiện giảm quy mô, hoãn hoặc dừng tổ chức lễ cưới theo sự chỉ đạo của trung ương, thành phố và huyện để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày; không mời khách trong giờ làm việc. Không mở nhạc trong đám cưới trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép. Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm như: Cưới tập thể, tổ chức tiệc trà và báo hỷ sau lễ cưới, đặt hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tổ chức trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND các xã, thị trấn…

Đám cưới tổ chức gọn nhẹ, vui tươi của giới trẻ Hà Nội. Ảnh minh họa

Việc tang phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế. Lễ tang tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình có người qua đời. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang; kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang và tuyên truyền, vận động, khuyến khích thực hiện hình thức hỏa táng. Việc mặc trang phục và treo cờ trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo. Không mở nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép. (Người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số thì trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc dân tộc thiểu số đó). Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan…

UBND huyện đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung kích hoạt các phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ. Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *