Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Huyện Thường Tín nỗ lực giữ gìn, phát huy văn hóa đọc

Bên cạnh Thư viện huyện có khối lượng tư liệu rất phong phú với hơn 9.760 cuốn sách và 05 loại tạp chí, bạn đọc trên địa bàn huyện Thường Tín còn dễ dàng tiếp cận với sách, báo thông qua 103 tủ sách ở cơ sở, với nguồn tài liệu lên đến 40.000 bản.

Coi trọng vai trò to lớn của văn hóa đọc, nhiều năm qua, huyện Thường Tín đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao để  đưa sách  đến với bạn đọc, để văn hóa đọc trở thành dòng chảy không thể thiếu trong việc bồi đắp tâm hồn, trí thức của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, Thư viện huyện Thường Tín đã nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cơ sở vật chất của Thư viện được đầu tư, sửa chữa. Hiện  nay, Thư viện được bố trí tại tầng 2, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, có biển chỉ dẫn, lại gần với đường giao thông chính của huyện nên rất thuận tiện cho việc đi lại của bạn đọc. Trên diện tích 200m2, Thư viện huyện  có khối lượng tư liệu rất phong phú với hơn 9.760 cuốn sách và 05 loại tạp chí. Các loại sách được bố trí khoa học, dễ tìm, tạo thuận lợi cho bạn đọc. Số lượng sách, báo được bổ sung hàng năm từ nguồn luân chuyển của Thư viện Hà Nội và từ nguồn xã hội hóa, đóng góp, trao tặng sách báo của những người dân Thường Tín (đang sinh sống ở địa phương hoặc các nơi khác). Có không gian thoáng mát, sách báo đa dạng, phong phú, Thư viện đã thực sự trở thành điểm hẹn của nhiều bạn đọc với độ tuổi đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Thư viện duy trì mở cửa 5 ngày /tuần. Ngoài việc đọc tại chỗ, bạn đọc có nhu cầu có thể mượn sách về nhà. Thủ tục làm thẻ rất đơn giản, thuận tiện.

Các hoạt động sôi nổi của Ngày hội sách và văn hóa đọc góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng (Ảnh: thuongtin.hanoi.gov.vn)

 Để nâng cao chất lượng hoạt động, hàng năm, Thư viện huyện Thường Tín đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về  phát triển văn hóa đọc và tổ chức cho các tập thể, cá nhân trao tặng sách; trưng bày sách theo các chuyên đề về các ngày lễ, kỷ niệm trong năm; tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách hè, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phòng đọc…  Đặc biệt, Thư viện đã ứng dụng Công nghệ thông tin,  lập một facebook nhằm kết nối, chia sẻ, thường xuyên giới thiệu sách với bạn đọc. Qua đó, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, giúp Thư viện gần hơn với bạn đọc, đồng thời làm cho sách, thói quen đọc sách lan tỏa trong cộng đồng.

Bên cạnh Thư viện huyện, bạn đọc trên địa bàn còn dễ dàng tiếp cận với sách, báo thông qua 103 tủ sách ở cơ sở, với nguồn tài liệu lên đến 40.000 bản. Các tủ sách đều được bố trí ở những địa điểm thuận tiện, có cơ sở vật chất thoáng mát, rộng rãi (Nhà văn hóa, trụ sở UBND xã) và đều có người quản lý, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho bạn đọc.

Văn hóa đọc ở huyện Thường Tín đã không ngừng được duy trì, phát huy  trong cuộc sống bởi sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện và đặc biệt là những cá nhân luôn nặng lòng với sách, với nhiệm vụ giữ gìn, khơi thông dòng chảy văn hóa đọc trong cộng đồng. Chính nhờ những cá nhân tiêu biểu đó, trên địa bàn huyện Thường Tín đã hình thành những điểm sáng được Thành phố đánh giá cao, nhiều địa phương  của Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đó là thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình) và thư viện thôn Đống Chanh (xã Minh Cường).

Bạn đọc tại Thư viện thôn Bình Vọng (ảnh chụp trước khi có dịch COVID -19)

Hơn 20 năm qua, Thư viện thôn Bình Vọng, xã Văn Bình đã trở thành điểm hẹn của những người yêu sách, nơi khơi nguồn văn hóa đọc của thôn, xã và các địa bàn lân cận. Được đặt tại tầng 1 của Nhà văn hóa thôn với diện tích khoảng 50m2, Thư viện gồm phòng đọc và phòng quản lý sách. Từ sự đóng góp nhiều nguồn thông qua xã hội hóa, Thư viện thôn Bình Vọng hiện sở hữu kho sách khoảng 10.000 cuốn cùng 5 đầu báo. Sách, báo được sắp xếp theo các lĩnh vực, rất thuận tiện cho bạn đọc trong việc tra cứu: Sách thiếu nhi, truyện tranh, sách văn học – nghệ thuật, sách khoa học – kỹ thuật, sách chính trị – xã hội… Mỗi tháng, Thư viện đón khoảng 1.300 lượt bạn đọc.

Thư viện thôn Đống Chanh có 1.200 cuốn sách, được phân loại theo các mục, như: Chính trị, pháp luật, khoa học, lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, thiếu nhi. Bên cạnh đó còn có các loại báo cập nhật tin tức thường xuyên. Nguồn sách báo thường xuyên được bổ sung từ nguồn luân chuyển của Thư viện cấp trên và sự đóng góp của người dân. Để sách báo đến được với nhiều người hơn, ông Nguyễn Ngọc Giám, người đã có hơn 20 năm gắn bó với thư viện, còn có sáng kiến đưa sách đến các cửa hàng cắt tóc, hàng tạp hóa… để phục vụ bạn đọc không có thời gian đến thư viện. Có phong trào đọc sách được duy trì từ những năm 80 của thế kỷ trước cộng với hoạt động hiệu quả của Thư viện nên ở thôn Đống Chanh, xã Minh Cường, thói quen đọc sách luôn được giữ gìn, phát huy tác dụng trong các tầng lớp Nhân dân. Những kiến thức quý báu từ sách, báo đã được bạn đọc áp dụng vào sản xuất, sinh hoạt, đem lại hiệu quả thiết thực, từ đó có tác dụng thôi thúc, phát triển văn hóa đọc.

Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung của Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát  triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Ở huyện Thường Tín, văn hóa đọc  đã và đang được duy trì, phát huy bởi sự quan tâm của lãnh đạo huyện và sự tâm huyết, sáng tạo của những cá nhân yêu sách, giàu nhiệt thuyết cống hiến cho cộng đồng,  góp phần  nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Thu Vân 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *