Văn hóa cơ sở

Huyện Ứng Hòa giữ gìn, phát huy văn hóa đọc  

Huyện Ứng Hòa đặt ra các mục tiêu: Phấn đấu đạt 80% học sinh tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện trường, tủ sách cơ sở thường xuyên; mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tủ sách cơ sở; 50% người dân sử dụng thư viện, tủ sách cơ sở có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí….

Xác định văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhiều năm qua, huyện Ứng Hòa đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ gìn, phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng: Tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc;  hội thi thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách hè; phối hợp với Thư viện Thành phố tổ chức thư viện lưu động; vận động Nhân dân tích cực xây dựng tủ sách cơ sở…

Qua thực hiện phong trào đọc sách, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia, góp phần nâng cao dân trí, và xây dựng nét văn hóa đẹp tại cộng đồng dân cư, tiêu biểu như thư viện thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn. Thư viện được đặt tại đình làng, có diện tích 30m2  với 3.200 cuốn sách, phần lớn là do Nhân dân ủng hộ. Thư viện mở cửa 3 ngày/tuần. Để tạo thuận lợi cho bạn đọc trong việc tiếp cận sách, tra cứu, tìm hiểu thông tin, sách được sắp xếp khoa học, chia thành các lĩnh vực: Khoa học, kỹ thuật, văn học, lịch sử, địa lý, tâm lý, y, dược, thuốc nam chữa bệnh… Hàng năm, với sự ủng hộ kinh phí nhiệt tình của các nhà hảo tâm, những người tâm huyết với việc duy trì văn hóa đọc, Thư viện thôn luôn bổ sung các đầu sách mới cũng như trang thiết bị : Quạt, đèn, tủ, bàn, ghế…giúp cho hoạt động  được hiệu quả hơn. Người dân thôn Đông Dương tự hào vì có thư viện luôn đông đúc bạn đọc và tự hào vì đến nay, phong trào đọc sách đã trở thành thói quen thường xuyên của phần lớn người dân. Thư viện đã góp phần hạn chế tình trạng trẻ em tham gia chơi trò chơi điện tử, vui chơi không an toàn. Những kiến thức từ sách còn giúp ích cho mỗi người trong công việc hàng ngày. Đây là mô hình rất cần nhân rộng trên địa bàn.

Thư viện thôn Đông Dương thu hút nhiều bạn đọc trẻ tuổi (ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19)

Ảnh: Lại Trâm

Năm 2021 là năm đầu tiên  thực hiện Chương trình 06- Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, huyện Ứng Hòa  đang tiếp tục triển khai Kế hoạch số 67/KH-UBND  về “Phát triển văn hóa đọc trên địa bàn huyện Ứng Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu: Phấn đấu xây dựng thư viện huyện; nâng cấp, đầu tư hệ thống thư viện của các trường học, các tủ sách thôn, tổ dân phố. Tăng cường các hình thức tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả văn hóa đọc; phấn đấu đạt 80% học sinh tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện trường, tủ sách cơ sở thường xuyên; Khuyến khích xây dựng thư viện tư nhân, thư viện dòng họ, tủ sách gia đình trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn huyện tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao văn hóa đọc tại các tủ sách cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã; phấn đấu 30% người dân được tiếp cận sách, báo, tài liệu. Phấn đấu mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tủ sách cơ sở. Phấn đấu 30% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc. Phấn đấu 50% người dân sử dụng thư viện, tủ sách cơ sở có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí….

Các bậc phụ huynh nên lựa chọn sách có nội dung phù hợp và xây dựng thói quen đọc sách cho con

Để đạt được các mục tiêu trên, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả trong hoạt động phát triển văn hóa đọc. Đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trường, tủ sách cơ sở, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động thư viện. Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho người dân: Tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc, qua đó định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh tại các thư viện trường học, tủ sách cơ sở; Vận động xây dựng văn hóa đọc từ trong mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư, nhà trường…

Công Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *