Triển lãm

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”

Sáng 29/11, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 12/1972-12/2017.

Chuyên đề được chia thành 4 nội dung: Đối mặt với B52, Khách sạn Hilton – Hà Nội, Ngày trở về và Xây đắp tương lai. Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong trưng bày tái hiện một phần cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân, dân Hà Nội, Hải Phòng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972; về những câu chuyện thời chiến chứa đựng đầy bất ngờ, giàu tính nhân văn đặc biệt là chuyện về phi công Mỹ tại “Hilton – Hà Nội” và sự quay trở lại Việt Nam của họ để tìm về ký ức tại nơi mình bị bắn rơi, giam giữ hay gặp lại người đã bắn rơi, chăm sóc, bảo vệ mình năm xưa.

Các đại biểu tham dự buổi khai mạc trưng bày “Tìm lại ký ức”

“Đối mặt với B52” là nội dung đầu tiên của chuyền đề, hình ảnh Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, nơi hứng chịu bom đạn của chiến tranh khiến đất rung, ngói tan, gạch nát nhưng bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng đã bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để biến “Mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Lật giở từng khoảnh khắc trở về lịch sử Hà Nội, Hải Phòng những ngày ấy, trong những cung bậc cảm xúc: xót xa, đau buồn, mất mát… vẫn sáng ngời niềm tin chiến thắng. Chính tình yêu và sự tận hiến đó đã dệt nên bản anh hùng ca át tiếng bom rền. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong nội dung trưng bày: “Khách sạn Hilton – Hà Nội” sẽ đem đến cho những ai chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến, đặc biệt là chuyện của những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò được kể đan xen trong những câu chuyện về một số phi công Mỹ bị bắt, giam tại đây như: Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr. phi công đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam và có thời gian giam giữ lâu nhất tại “Hilton – Hà Nội”; Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, Hạ sỹ Robert P. Chenoweth, Trung tá Thủy quân lục chiến Edison W. Miller… là những người có nhận thức đúng về cuộc chiến tranh mà họ tham gia; Thiếu tá Hải quân John Sidney McCain, Đại úy Không quân Douglas Brian (Pete) Peterson… có nhiều hoạt động hàn gắn mối quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ. Những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt hạnh phúc… khi được trở về trong vòng tay người thân đã trở thành kỷ niệm khắc ghi trong tâm thức những người trở về sau cuộc chiến. Ẩn chứa trong từng bức ảnh, trong mỗi hiện vật ở nội dung trưng bày “Ngày trở về” là những câu chuyện cảm động về hơi ấm tình vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng… sau bao năm xa cách của các tù binh chính trị Việt Nam được chính quyền Mỹ – Ngụy trao trả tại bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị cũng như những phi công Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Niềm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình Trung tá Robert L. Stirm khi đón ông trở về tại căn cứ Không quân Travis, bang California ngày 17/3/1973 (Ảnh: Sal Velder)

“Xây đắp tương lai” là nội dung cuối của trưng bày chuyên đề thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, bởi hơn ai hết, tất cả người dân đất Việt đều hiểu hết giá trị của hòa bình. Ngay từ năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã chủ động tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ đã phối hợp với Việt Nam trong các hoạt động tìm kiếm. Những cuộc “trở về” này tuy không thật trọn vẹn, nhưng đã phần nào hàn gắn, xoa dịu những nỗi buồn thời chiến. Ngày hôm nay, những cựu binh Mỹ quay trở lại Việt Nam để tìm về ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời binh nghiệp của mình và Hỏa Lò chính là một phần trong ký ức đó. Tất cả những hoạt động này nhằm xây đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phát biểu khai mạc trưng bày khẳng định: “Tìm lại ký ức” là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX; là dịp để phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời của họ; giúp những người chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến, đặc biệt là chuyện về những phi công Mỹ tại “Hilton – Hà Nội”. Ngày hôm nay, những vết thương chiến tranh đã phần nào được hàn gắn, những nỗi buồn như đã vơi đi, nhiều cựu binh Mỹ quay trở lại Việt Nam, tìm lại ký ức không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình và cựu binh Robert P. Chenoweth là một trong rất nhiều người đã quay trở lại.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, đại biểu và khách tham quan được gặp lại những nhân chứng đã trải qua những ngày đêm khốc liệt năm 1972. Cùng với đó là sự xuất hiện của những vị khách từ nước Mỹ xa xôi, Hạ sỹ Lục quân Mỹ Robert P. Chenoweth, người đã có thời gian sống tại “Khách sạn Hilton – Hà Nội” và ông Thomas Eugene Wilber – con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber (cựu phi công Mỹ bị giam tại Trại giam Hỏa Lò).

Đặc biệt hơn, trong hành trang quay trở lại “ Khách sạn Hilton – Hà Nội” lần này của Robert P. Chenoweth (tên gọi thân mật là Bob) là 20 kỷ vật được Bob mang từ Việt Nam về Mỹ cách đây gần 45 năm. Những kỷ vật tưởng chừng như là “máu thịt của Bob” giờ đây đã được Bob tin tưởng trao lại cho những người làm công tác bảo tàng ở một đất nước cách xa Bob tới nửa vòng trái đất. Trao lại hiện vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để giới thiệu tại trưng bày “Tìm lại ký ức” cùng với mong muốn những hiện vật đó sẽ tiếp tục phát huy giá trị ở những nội dung trưng bày khác về sau.

Robert P. Chenoweth bên những kỷ vật ông mang từ Mỹ tới tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Đó là toàn bộ số quân tư trang mà Bob đã được cấp phát để sử dụng trong thời gian sống trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam: quần áo dài, quần cộc, khăn mặt, dép cao su, bát, đũa ăn cơm, trong đó có một đôi đũa được sơn màu đỏ, Bob cho biết thêm “ông chỉ dùng đôi đũa đó trong các bữa ăn ngày Lễ, Tết”. Đó còn là số quân tư trang mà Bob cùng những đồng đội của ông được trang bị và họ đã sử dụng khi trao trả về nước vào tháng 3/1973, gồm: bộ quần áo dài, áo lót, áo bludong, giầy da, túi xách…

“Tìm lại ký ức” đã thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Thủ đô mà cả du khách nước ngoài

45 đã trôi qua, nhân dân Việt Nam vẫn luôn dành tình cảm tốt đẹp cho người dân Mỹ yêu hòa bình. Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX, là dịp để phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời, giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng Thế giới hòa bình.

TN

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *