Triển lãm

Khai mạc trưng bày “Khát vọng tự do”

Sáng 14/5, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày “Khát vọng tự do” hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020).

Các đại biểu cắt băng khai mạc và tham quan trưng bày.

Trưng bày kể câu chuyện về những ngày tháng Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ tại các nhà tù và những cuộc vượt ngục đấy bản lĩnh, trí tuệ của những người chiến sĩ yêu nước, kiên trung. Nhưng, không phải cuộc vượt ngục nào cũng thành công, đã nhiều máu xương của các tù nhân chính trị rải khắp các con đường đến với tự do từ những địa ngục trần gian ấy. Lịch sử đã, đang và vẫn mãi khắc ghi lớp lớp thế hệ cha anh đã phá gông cùm, xiềng xích, dùng máu, xương đổi lấy quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

Không gian trưng bày và những hiện vật “biết nói” sẽ kể cho thế hệ hôm nay câu chuyện cảm động về bản lĩnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Họ, với tấm lòng yêu nước, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc và quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành. Có người may mắn được trở về nhưng cơ thể đã không còn vẹn nguyên. Tất cả những gian khổ, hi sinh ấy đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước, được giới thiệu qua 3 nội dung trưng bày: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.

Kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa.

Ở nội dung đầu mang tên Xiềng xích, những hình ảnh, hiện vật lịch sử đã phản ánh cuộc sống cùng cực của người Việt Nam dưới chế độ thực dân, đế quốc. Trong màn đêm tăm tối, dân tộc Việt Nam phải gồng mình chống đỡ những chính sách bóc lột, nô dịch, khủng bố nặng nề. Hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn gồm: Tòa án, Sở Mật thám, Nhà tù được chính quyền thực dân, đế quốc thiết lập khắp các địa phương.

Trong chốn “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc, kẻ thù đã thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Nhưng, không một phút buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng luôn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo, như những cánh chim khao khát tự do, bay đến vùng ánh sáng cách mạng… Điều đó được nêu bật trong nội dung Tung cánh giữa màn đêm bằng những hình ảnh khắc họa hành trình đến với tự do với biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh, nhưng cũng chứa đựng tinh thần thép của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, không chấp nhận cái chết mòn nơi nhà tù thực dân, đế quốc.

Khép lại trưng bày, nội dung Khúc ca hòa bình giới thiệu đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, đế quốc. Dấu ấn về tinh thần quả cảm trong những cuộc vượt ngục táo bạo năm xưa vẫn lan tỏa như một minh chứng trường tồn cho lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Ký ức của những cựu tù vượt ngục năm xưa là một phần ký ức của lịch sử dân tộc, là niềm tự hào, động lực để thế hệ trẻ tiến bước trên con đường đổi mới và dựng xây đất nước.

Trưng bày còn khắc họa chân dung của 12 cựu tù chính trị năm xưa đã vượt ngục thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiếp tục đóng góp sức lực vào các phong trào cách mạng. Trong đó có nhiều đồng chí giữ trọng trách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Ngân, Hoàng Thị Ái, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.
Bên cạnh đó, tại đây còn trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa.

Tô Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *