Tin tức - Sự kiện

Khi bikini biến thành đồng phục, văn hóa kinh doanh bị ô nhiễm

Để trào lưu mặc bikini bán hàng không trở thành tiền lệ xấu, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động quảng cáo của tất cả các đơn vị kinh doanh, buôn bán trên địa bàn Hà Nội.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động (phải) và Chánh Thanh tra Sở VH&TT HN (trái) trong 1 buổi làm việc với báo chí về vụ việc vi phạm của siêu thị điện máy.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động (phải) và Chánh Thanh tra Sở VH&TT HN (trái) trong 1 buổi làm việc với báo chí về vụ việc vi phạm của siêu thị điện máy.

Sau vụ việc một siêu thị điện máy trên địa bàn TP Hà Nội cho nhân viên mặc bikini bán hàng, mới đây lại “nóng” lên vụ việc một nhà hàng cho nhân viên mặc bikini thoải mái đi lại, phục vụ, bưng bê… Tràn ngập những lượt chia sẻ, bình luận về hình ảnh những cô gái trẻ mặc bikini tiếp thị hay bưng bê trên mạng xã hội facebook. Chỉ cần lên Google gõ “nhân viên mặc bikini bán hàng” là sẽ ra hàng loạt những bài viết, hình ảnh về hiện tượng “nóng” này.

Điều đáng nói ở đây là vụ việc nhà hàng cho nhân viên mặc bikini phục vụ, bưng bê xảy ra chỉ sau 2 ngày sau khi quyết định xử phạt với siêu thị điện máy kia được đưa ra. Hà Nội đang mạnh mẽ thực hiện văn minh đô thị, người Hà Nội thanh lịch, việc dùng bikini làm “đồng phục” bán hàng đang đi ngược lại những gì mà Hà Nội đang cố gắng thực hiện. Phải chăng, để bán được hàng, để được “nổi”, được biết đến nhiều hơn, chủ nhà hàng, siêu thị sẵn sàng dùng những chiêu marketing không lành mạnh.

Có không ít người bình luận cho rằng, việc mặc bikini tiếp thị, bán hàng hay bưng bê là chuyện bình thường, cũng như việc đi biển hay thi hoa hậu với phần thi áo tắm, rằng thế kỷ nào rồi mà còn cổ hủ, còn lấy “cớ” trái thuần phong mỹ tục để xử phạt. Nhưng chính bản thân cái từ “bikini” với ý nghĩa “áo tắm 2 mảnh” đã khoanh vùng phạm vi sử dụng của nó. Sẽ không có ai nói rằng mặc bikini là phản cảm, trái với truyền thống, hay thuần phong mỹ tục nếu như nó được đặt đúng nơi, đúng chỗ.

2 luồng ý kiến trái chiều về việc nhân viên mặc bikini bán hàng.
2 luồng ý kiến trái chiều về việc nhân viên mặc bikini bán hàng.

Trở lại 2 vụ việc vừa xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 6/5 với vụ việc tại một siêu thị điện máy ở Hà Nội, Thanh tra Sở Văn hóa Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc xử lý và ra quyết định xử phạt siêu thị này 40 triệu đồng. Căn cứ xử phạt là công ty này đã có hành vi quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, thuần phong, mỹ tục Việt Nam khi để người mẫu mặc bikini đón khách và tiếp thị tại siêu thị của mình. Cũng tương tự, với vụ việc tại một nhà hàng ở khu vực Cầu Giấy, sáng ngày 11/5, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Phùng Văn Quang, chủ sở hữu nhà hàng cho nhân viên mặc bikini tiếp thị và phục vụ mức phạt 40 triệu đồng với cùng một hành vi vi phạm như siêu thị điện máy nói trên.

Quyết định xử phạt của Sở VH&TT Hà Nội đối với nhà hàng vi phạm ngày 11/5.
Quyết định xử phạt của Sở VH&TT Hà Nội đối với nhà hàng vi phạm ra ngày 11/5.
Biên bản làm việc cùng ngày giữa Sở VH&TT HN với nhà hàng.
Biên bản làm việc  ngày 12/5 giữa Sở VH&TT HN với nhà hàng.

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo thì 40 triệu đồng là mức xử phạt hành chính cao nhất. Trả lời cho việc liệu mức xử phạt như vậy đã đủ tính răn đe cũng như có thể ngăn chặn những hiện tượng này tái diễn, ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội cho biết: Nghị định quy định rõ mức xử phạt, ta không thể sửa đổi, bổ sung ngay được, cũng không thể vì một vụ việc mà sửa đổi. Đối với 2 vụ việc xảy ra thì cần có sự vào cuộc không chỉ của ngành Văn hóa mà cần sự phối hợp của các ban ngành khác. Với vụ việc tại nhà hàng khu vực Cầu Giấy, trong buổi làm việc sáng ngày 11/5, nhà hàng có thái độ bất hợp tác, cố tình đổ lỗi cho đơn vị khác, không ký vào biên bản xử phạt, đồng ý với mức phạt cũng như nội dung trong văn bản, nếu vẫn cố tình chống đối thì Sở sẽ có văn bản đề nghị xử lý với khung nặng hơn”.

Trong thời gian tới, để tránh sự “lặp lại” trào lưu mặc bikini bán hàng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động quảng cáo của tất cả các đơn vị kinh doanh, buôn bán trên địa bàn Hà Nội, có cam kết thực hiện văn minh đô thị, không quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Lắng nghe ý kiến của một người dân Hà Nội, chị Xuân Lan ở phường Hàng Bồ: “Cách đây vài năm, khi có dịp công tác tại SG, tôi được bạn bè mời đi ăn tại một nhà hàng, mà ở đó, tôi đã khá shock khi nhìn thấy dàn các em nhân viên nữ mặc đồ hai mảnh đỏ chói phục vụ khách hàng. Bạn tôi bảo, không phải nhân viên nhà hàng đâu, mà là tiếp thị bia, đồ uống đấy. Mặc thế thôi, chứ có “báo động” là các cô ấy khoác áo choàng lại ngay. Và bạn tôi hỏi, Hà Nội có không? Tôi đã chắc như định đóng cột rằng “không bao giờ có”. Vậy mà… nhìn thấy hình ảnh các cô gái ờ Hà Nội phơi thân ngoài đường, trong nhà hàng mời chào khách, tôi chợt cảm thấy ngượng với lời tuyên bố trước kia với bạn mình. Mấy hôm nay, đọc thông tin trên mạng bàn tán về vấn đề này, bên cạnh nhiều ý kiến phản đối, tôi thấy buồn vì thấy không ít những ý kiến cho rằng đó là chuyện bình thường, chả có gì mà đáng phải lên án, phải xử phạt. Bằng một phép thử rất đơn giản, tôi chỉ muốn những người đã từng “cổ súy” cho vấn đề này hãy hình dung, những cô gái vì việc kiếm sống kia phải chấp nhận phơi da, phơi thịt ở những trốn đông người mà không phải ở một bãi biển, bể bơi, các cô trở thành mục tiêu nhìn ngó, cười cợt, bình phẩm và bị đánh giá là con gái họ, là chị, là em của họ… liệu họ có đành lòng? Đó là chưa nói đến nhiều chuyện hệ lụy với những hậu quả chẳng tốt đẹp gì, nếu xã hội chúng ta cứ bình thản mà chấp nhận những điều không đẹp trong đời sống, những câu chuyện và hành xử không lành mạnh, đang ngày một xâm thực đời sống văn hóa Hà Nội. Mới đây nhất, vào tháng 3/2016, tại Mỹ, việc những quán café Việt sử dụng nhân viên mặc Bikini phục vụ khách hàng, đã bị Chính quyền thành phố Stanton, bang California, đệ đơn kiện với nội dung “Thành phố có nhiệm vụ và lợi ích trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn và phúc lợi trong thành phố”, tới quận Cam. Các quán café Việt sử dụng nhân viên mặc Bikini đã phải ngừng kinh doanh và chờ hầu toà. Đến Mỹ, một đất nước văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới, một đất nước được coi là “thế giới tự do” cũng không thể chấp nhận được những hình ảnh phản cảm đó trong những quán café,  coi sự việc trên là không chuẩn mực, cần phải được luật pháp can thiệp… chẳng há những người Việt đang cổ súy nhiệt tình cho hiện tượng này đã vượt tầm văn minh, hiện đại hơn cả Mỹ sao? Tôi rất hoan nghênh sự nhanh, mạnh trong việc xử phạt những cơ sở kinh doanh trên của Sở VH&TT HN. Nhưng 40 triệu vẫn chưa đủ để xây dựng được một ý thức vì cộng đồng, hay vì một văn hóa kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp. Hãy tham khảo việc xử phạt của nước Mỹ”.

gz-cafe-1526-1457667702

Quán cafe GZ ở Cali đang bị ngưng kinh doanh và chờ ngày hầu tòa.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *