Di sản – Bảo tồn

Kinh đô Thăng Long – Hà Nội: Từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới

Ngày 17/12, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Kinh đô Thăng Long – Hà Nội, từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới”, nhằm công bố kết quả nghiên cứu, diễn giải Kinh đô Thăng Long – Hà Nội; đồng thời thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, góp phần phục dựng các công trình kiến trúc trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo cổ học thực tế đã triển khai tại khu di sản.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại. Đây là trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII – IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII… Nơi đây đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc – UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
Những năm qua, công tác nghiên cứu diễn giải Kinh đô Thăng Long – Hà Nội được chú trọng và tiếp cận từ nhiều góc độ; trong đó, những kết quả mới về khảo cổ học đã và đang góp phần nhận diện mặt bằng cấu trúc khu vực chính điện Kinh Thiên, từ đó làm rõ hơn nữa những giá trị cốt lõi của khu di sản, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang thông tin, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học trong 10 năm, kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới, đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm tư liệu khoa học quan trọng vào công cuộc nghiên cứu về kinh đô Thăng Long.
“Những kết quả đó là cơ sở khoa học cho chúng ta thực hiện tốt hơn những cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO, thực hiện những văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Thành ủy – UBND thành phố Hà Nội; và đây cũng là những luận cứ khoa học thuyết phục góp phần thực hiện đề án Nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên tại Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội”, ông Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu.

PGS.TS Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam) nhận định: “Các đợt khai quật thăm dò đã làm rõ được một phần kết cấu không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, là cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc phục dựng Chính điện Kính Thiên trong tương lai không xa. Trong đó, kết quả khảo cổ học mới nhất (năm 2021), đã lần đầu tiên phát lộ mô hình kiến trúc đất nung tráng men thời Lê sơ, cho phép tìm hiểu kiến trúc thời kỳ này. Di vật có giá trị tư liệu rất cao do hiện giờ không còn một kiến trúc tôn giáo, dân gian nào thời Lê sơ tồn tại”. Còn theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Các cuộc khai quật còn phát lộ một số kiến trúc và di vật từ thời Đại La cho đến thời Lý, Trần, minh chứng cho một trung tâm của cấm thành từ thuở mới định đô, cần được đầu tư nghiên cứu và khai quật khảo cổ học quy mô lớn, bài bản và tổng thể.
TS.KTS Trần Việt Anh – Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khẳng định, kết quả khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ (thế kỷ XV-XVI) và lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII), đã xác định sơ bộ về cấu trúc một phần không gian Điện Kính Thiên. Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, di sản… nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và từng bước tái hiện không gian Điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D… Kết quả nghiên cứu không gian Điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D cho thấy khả năng khôi phục được công trình này là rất cao. “Hi vọng việc tái hiện không gian Điện Kính Thiên sẽ làm nổi bật thêm giá trị của Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long trong tương lai” – ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu không gian Điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D.

Với gần 20 tham luận và nhiều ý kiến phân tích, đánh giá khác, như: Cấm thành Thăng Long qua một số di tích kiến trúc tiêu biểu phát hiện tại khu G; Nghiên cứu cấu trúc tẩm điện và tẩm cung thời Lý, góp phần nhận diện các dấu tích kiến trúc tại Di tích Hoàng thành Thăng Long; Nghiên cứu về Chính điện Kính Thiên và phục dựng trên nền tảng 3D; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trưng bày – triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long…, Tọa đàm tập trung vào hai nội dung chính, gồm: Kinh đô Thăng Long – Hà Nội từ tư liệu đến diễn giải di tích; Diễn giải hình ảnh trong hành trình phát huy giá trị di sản.
Tọa đàm cũng góp phần bổ sung thêm những nguồn tư liệu để tìm hiểu, xác định chức năng của khu vực Chính điện Kính Thiên trước thời Lê sơ với việc phát hiện các dấu tích thời Lý – thời đại thành lập Thăng Long, thời Trần – thời kỳ nối tiếp và phát triển Thăng Long; cung cấp các chứng cứ khoa học cho quá trình nghiên cứu các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long, cụ thể là giai đoạn thời Lê về các loại hình vật liệu kiến trúc, cấu kiện kiến trúc…
PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, Tọa đàm đã góp phần làm rõ giá trị, vị trí của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử và các di tích còn lại cho đến ngày nay, để góp phần đánh giá thật xác đáng, toàn diện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Thùy Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *