Sự kiện

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập

​​Ngày 14/8, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh 2/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm di tích lịch sử cách mạng số 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm – nơi Bác Hồ soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.​

bithu1.jpg

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

thăm di tích 48 Hàng Ngang

Di tích số 48 Hàng Ngang vốn là nhà ở của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một gia đình tư sản yêu nước và là cơ sở cách mạng của Hà Nội. Nằm lọt giữa khu buôn bán sầm uất nên ngôi nhà đã sớm được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trong những ngày đầu Cách mạng tháng 8/1945. Tại tầng hai ngôi nhà này, từ ngày 28/8 đến 30/8/1945, Bác Hồ đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và đọc bản Tuyên ngôn độc lập này vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Di tích số 48 Hàng Ngang gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước. Năm 2008, thành phố Hà Nội đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi nguyên trạng di tích 48 Hàng Ngang.

Đến thăm di tích 48 Hàng Ngang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bày tỏ xúc động khi đến thăm ngôi nhà mà gần 70 năm trước, Bác Hồ kính yêu đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, bản Tuyên ngôn mang đến bước ngoặt lịch sử cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Đánh giá cao công tác gìn giữ, bảo tồn di tích ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng lưu ý với Ban Quản lý Di tích danh thắng, ngoài làm tốt việc gìn giữ, bảo tồn, Ban quản lý cần tiếp tục nghiên cứu để phát huy hơn nữa ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng của di tích như tổ chức các triển lãm, trưng bày, sưu tập các hiện vật của Bác khi sinh sống và làm việc tại ngôi nhà; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các giờ học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên để thấy được ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Sở Văn hóa Thể thao, Ban Quản lý Di tích danh thắng và quận Hoàn Kiếm cần chủ động, sáng tạo, tăng cường phối hợp để tổ chức các hoạt động nghiên cứu, học tập về lịch sử, nhất là Tuyên ngôn độc lập, về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại di tích.

bithu2.jpg

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm hỏi sức khỏe

Đại tướng Nguyễn Quyết.

* Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tới thăm và tặng quà Đại tướng Nguyễn Quyết, tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) sinh năm 1922, quê tại thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945, ông từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám.

Trân trọng những cống hiến lớn lao của Đại tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định tấm gương của Đại tướng cùng các thế hệ đi trước trong sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc luôn là động lực thôi thúc những thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hôm nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, lao động, học tập để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước và mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Cảm ơn tình cảm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, ông rất vui mừng khi chứng kiến những thành tựu của Thủ đô đạt được trong những năm qua. Trong bối cảnh Thủ đô có quy mô lớn hơn, đô thị hóa nhanh, mọi lĩnh vực đều đòi hỏi cao đối với công tác lãnh đạo, nhưng Đảng bộ Thành phố vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ. Đại tướng Nguyễn Quyết tin tưởng Thủ đô Hà Nội sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn nữa./. 

                                                Nguyễn Đức Cảnh (TTX Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *