Văn hóa cơ sở

Làng nghề sơn mài Hạ Thái

 Làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) có lịch sử  trên 200 năm. Khởi đầu là nghề sơn đồ nét, với  sự tâm huyết, tài hoa, các nghệ nhân, họa sỹ ở  Hạ Thái đã tạo được bản sắc riêng cho sản phẩm,  chinh phục được khách hàng […]

 Làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) có lịch sử  trên 200 năm. Khởi đầu là nghề sơn đồ nét, với  sự tâm huyết, tài hoa, các nghệ nhân, họa sỹ ở  Hạ Thái đã tạo được bản sắc riêng cho sản phẩm,  chinh phục được khách hàng trong nước và nhiều thị trường: Đông Âu, Châu Á, Châu Âu, châu Mỹ, Úc, Trung Đông…

Anh Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy, Chủ tịch Hội sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái cho biết, người có công nâng tầm tranh sơn mài ở Hạ Thái là cụ Đinh Văn Thành, giảng viên trường mỹ thuật Đông Dương.  Năm 1955, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã ra đời thu hút hơn 600 xã viên. Thời kỳ hoàng kim của nghề là những năm 1995-2007. Khi đó, làng nghề thu hút, tạo việc làm cho người làng và 3000- 4000 lao động các tỉnh lân cận. Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Khi Liên Xô  và các nước Đông Âu tan rã, sản phẩm không có “đầu ra”, HTX giải  thể. Nhiều người đã chuyển sang tìm cách khác để mưu sinh nhưng một số ít vẫn bám trụ, cố gắng tìm mọi cách để giữ nghề, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Khi đất nước  bước vào cơ chế thị trường, làng nghề sơn mài Hạ Thái lại dần khôi phục theo quy mô hộ gia đình. Năm 2001, Hạ Thái đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề. Năm 2003, Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái ra đời (nay đổi tên thành Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái) với 3 chi hội, tạo việc làm ổn định cho làng  nghề và nhiều lao động ở địa phương khác.

Để làm được 1 sản phẩm sơn mài phải trải qua 16 công đoạn, trong vòng 60 ngày. Mỗi công đoạn lại có những yêu cầu riêng nhưng đều đòi hỏi sự  khéo tay, kiên trì, tâm huyết của người làm nghề. Sản phẩm được làm thủ công, phụ thuộc vào thời tiết nên thợ làm sơn mài không thể nóng vội, cũng không thể đốt cháy giai đoạn bởi các công đoạn là sự tiếp nối nhau theo trình tự đã định, nếu không tuân thủ thì sản phẩm sẽ không đạt chất lượng, không được đưa vào tiêu thụ. Trong đó, công đoạn mang tính quyết định là trang trí mỹ thuật.   Ngày nay, các nghệ nhân của làng đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong pha chế, thay đổi công đoạn sơn làm cho sản phẩm bóng, bền, đẹp hơn (Sử dụng nhiều loại sơn công nghiệp thay thế các loại sơn mài cổ truyền tạo ra những sản phẩm có màu sắc vô cùng phong phú, những hòa sắc lộng lẫy lạ thường) đồng thời  đưa vào nhiều chất liệu mới: gốm, giấy ép, nhựa…tạo sự phong phú cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Nếu khởi đầu, sản phẩm sơn mài của Hạ Thái chủ yếu là đồ thờ cúng phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh thì ngày nay, các nghệ nhân làng nghề đã rất nhanh nhạy với xu hướng của thị trường với các sản phẩm đa dạng phục vụ cuộc sống hàng ngày: khay, đĩa, lọ hoa, bình hoa, hộp đựng trang sức, tranh phong cảnh, sản phẩm để trưng bày, trang trí nội thất, quà tặng, đồ lưu niệm… Nói như Chủ tịch Hội Đỗ Hùng Chiêu đó là đã có sự thay đổi về “chất”: chuyển từ sản xuất cái mình có sang cái thị trường cần. Các sản phẩm được sản xuất theo hai hướng: theo phom dáng chung để nhiều nhà có thể treo, sử dụng được và theo yêu cầu của khách hàng. Theo anh, bên cạnh việc duy trì truyền thống, phát huy sức sáng tạo để sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng và  quảng bá để sản phẩm có thêm những thị trường mới, khách hàng mới luôn được người làm nghề coi trọng. Mỗi một vùng miền, một quốc gia lại có những nét văn hóa đặc trưng, muốn đưa được hàng vào thị trường đó, người làm sơn mài phải bỏ công sức, trí tuệ tìm hiểu để sản phẩm có được chỗ đứng, sức sống lâu bền. Từ khi có Hội, tư duy sản xuất nhỏ lẻ (ký được đơn hàng với ai, giá cả thế nào, đơn hàng lớn thì không nhận được bởi không có khả năng làm…) đã được xóa bỏ. Người làm nghề đã gắn kết với nhau bởi họ biết, trong khủng hoảng kinh tế, trước yếu tố cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đoàn kết tức là sống, là phát triển. Không chỉ tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, người Hạ Thái đã mang sản phẩm của mình tham dự các sự kiện ở nước ngoài. Anh cũng cho biết thêm, hiện nay Hội làng nghề có 153 hộ đăng ký sản xuất  nhưng con số người làm nghề không dừng lại ở đó bởi các hội viên lại có những “chân rết” là các hộ gia đình khác tham gia đảm nhiệm từng công đoạn sản phẩm.  Đây chính là một kênh quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước đến địa phương tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm.  Hạ Thái- Duyên Thái đã đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến “mục sở thị” các công đoạn làm sản phẩm sơn mài.

Sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái, sản phẩm được kết tinh từ truyền thống hơn 200 năm cùng sự sáng tạo không ngừng của những người làm nghề  đã  góp phần làm đẹp cho đời và giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển.

1

Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái  ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng

Minh Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *