Văn hóa

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam có địa hình đồi núi đa dạng, bên những thung lũng và hồ nước hiền hòa.           Làng Văn hóa – Du lịch […]

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam có địa hình đồi núi đa dạng, bên những thung lũng và hồ nước hiền hòa.

          Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích 1.544ha, bao gồm 7 khu chức năng là khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí hiện đại, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu dịch vụ du lịch tổng hợp và khu quản lý điều hành văn phòng. Khu các làng dân tộc có địa hình gồm đồi, núi, thung lũng, hồ nước đan xen, mô hình bản làng truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm tái hiện khung cảnh thiên nhiên, văn hóa 4 cụm làng trên khắp mọi miền đất nước. Trong đó, cụm các làng dân tộc I gồm cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của 28 dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ thuộc hệ ngôn ngữ Tày -Thái, Tạng – Miến, Mông – Dao, Việt – Mường, Ka Đai. Cụm các làng dân tộc II gồm cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của 18 dân tộc vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc hệ ngôn ngữ Môn – Khơ Me, Nam Đảo. Cụm các làng dân tộc III là cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của các dân tộc cư trú ở vùng bán sơn địa, cao nguyên, đồi núi, triền sông thuộc hệ ngôn ngữ Môn – Khơ Me và Nam Đảo (Chăm, Khơ Me, Chơ ro, Chu Ru). Cụm các làng dân tộc IV thể hiện cảnh quan và các công trình văn hóa đặc trưng của các dân tộc cư trú ở vùng bán sơn địa, đồi núi, đồng bằng, duyên hải, triền sông, thị trấn, thị tứ thuộc hệ ngôn ngữ Hán, Việt – Mường (Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu).

          Tại khu các làng dân tộc, những lễ hội văn hóa truyền thống như: chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Tiền Giang)… được tái hiện, là dịp để du khách tận hưởng không khí hội hè sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền đất nước.

          Đặc biệt tại đây vừa diễn ra các hoạt động văn hoá – thể thao chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) và Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 – 19/4/2016). Những nét văn hóa dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày cùng một số lễ hội truyền thống được tái hiện qua: Lễ hội nhảy lửa của người Dao, Nghi lễ trưởng thành của dân tộc Ê Đê, Lễ mừng thọ của dân tộc Dao… tại không gian các làng dân tộc I, II, III; biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian như: đánh yến, hát ống, kéo co, rồng ấp trứng…

          Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được xem là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động tham quan và du ngoạn, cũng như tìm hiểu thêm về văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Hà Nội: Ngày hội “ Sắc xuân mọi miền tổ quốc ”
Hà Nội: Ngày hội “ Sắc xuân mọi miền tổ quốc ”

Biểu diễn nghệ thuật trong ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thu Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *