Nghệ thuật

Lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật Chèo là Di sản Văn hóa thế giới

Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng và võ cổ truyền Bình Định sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch lập hồ sơ di sản, đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới .

Ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7611/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập Hồ sơ di sản đối với hai di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Chèo Đồng bằng sông Hồng và Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Chính phủ vừa đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật Chèo là Di sản văn hóa thế giới.

Là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, chèo mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian. Từ bao đời nay hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ X đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, miêu tả cuộc sống bình dị của nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người. Bên cạnh đó, cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương.

Còn Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm và thể hiện rõ nét vào thời Tây Sơn thế kỷ XVIII. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

H.A

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *