Di sản

Lấy ý kiến thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Cổ Loa và Rối cạn Tế Tiêu

Chiều 10/11, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức họp lấy ý kiến thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) và Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Toàn cảnh buổi họp.

Tham dự có GS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, GS.TS Trần Lâm Biền, PGS. TS Đặng Văn Bài – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, ông Trần Đình Thành – Cục phó Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), TS Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Di sản (Sở VHTT Hà Nội).

Tại cuộc họp, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) và Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) nhằm hoàn thiện trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng là hội lớn nhất trong năm của Cổ Loa với sự tham gia của Bát xã Loa thành, bao gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu. Ngoài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy – một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả.
Lễ hội Cổ Loa gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức theo nghi thức cổ truyền gồm có lễ dâng hương và lễ rước của Bát xã Loa thành.
Phần nghi lễ mở đầu của hội Cổ Loa mang tính tưởng niệm thiêng liêng, hướng về An Dương Vương – người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời tiền sử. Đối với lễ hội truyền thống, mỗi nơi đều có hình thức tưởng niệm riêng. Và ở Cổ Loa cũng vậy, đó là một bức tranh hoành tráng về lễ nghênh rước tưởng niệm An Dương Vương được diễn ra trong lễ hội. Sau tiếng trống lệnh, Bát xã (tám làng) theo thứ tự tiến vào cung vua. Trước đó “Anh cả Quậy” được vào tiến lễ trước tiên. Tiếp đó, hội đồng Bát xã Loa thành lần lượt tiến lễ bằng oản phẩm dâng Vua, gọi là “thi lễ” cho Bát xã. Tục lệ này nhằm động viên nhân dân Bát xã thi đua lao động sản xuất, khuyến khích nghề truyền thống của địa phương.
Trong dịp lễ hội còn có tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát tuồng, hát chèo, đấu vật, chơi cờ người, múa rối, chọi gà, nấu ăn, giã bỏng, ném còn, đánh đu, leo dây, bắn nỏ, bắn súng, tổ tôm điếm… Và có một số giải thể thao như đá bóng, cầu lông, bóng chuyền…

Một phần nghi lễ trong lễ hội Cổ Loa.

Theo dân gian truyền lại, rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn bốn trăm năm. Năm Hưng Phúc 1573, một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về Tế Tiêu khai khẩn đất hoang, lập làng giữ nước, dạy dân trồng cấy và sáng tạo ra nghề rối. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn loại hình sân khấu dân gian này lại được hồi sinh trên mảnh đất Tế Tiêu vào những năm 1954-1957, và phát triển mạnh vào những thập niên 70 nhờ sự cống hiến của các bậc nghệ nhân tiền bối như: nghệ nhân Lê Năng Nhượng, nghệ nhân Phạm Văn Bể. Tiếp nối mạch nguồn của cha ông, nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng (con của nghệ nhân Phạm Văn Bể và hiện là Trưởng phường rối Tế Tiêu) vẫn bền bỉ giữ nghề cùng với 15 thành viên của phường rối, giữa những khó khăn bộn bề của cuộc sống mưu sinh.

Rối cạn Tế Tiêu là một đại diện chân thực và sống động cho tâm hồn mộc mạc, chân chất của người lao động.

Có thể xem rối cạn Tế Tiêu là một loại hình sân khấu dân gian bình dị và tươi tắn, hồn nhiên và dung dị, nhưng cũng đầy chất “kỳ ngộ” với những biến tấu bất ngờ. Nhân vật rối cạn với nét tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc, lời thoại dí dỏm cùng với các làn điệu dân ca, dân nhạc rộn ràng, ngẫu hứng. Kết hợp hài hòa và tinh tế với chèo, tuồng, xẩm, quan họ… cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, nghệ nhân rối cạn Tế Tiêu đã chắt lọc và thổi hồn vào những con rối vô tri được làm từ vật liệu tự nhiên như tre gỗ, bằng phong cách tạo hình dân gian và sự sáng tạo trong dựng trò, hát thoại, điều khiển con rối – tất cả đã góp phần tạo nên một loại hình nghệ thuật vi diệu mang đậm bản sắc đồng quê.

Lương Châu

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *