Di sản – Bảo tồn

Lễ hội Chùa Láng đón chứng nhận “Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”

Lễ đón bằng chứng nhận “Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia” của Bộ VHTTDL và khai mạc Lễ hội Chùa Láng năm 2022 đã được UBND quận Đống Đa tổ chức ngày 7/4/2022.

Các đại biểu tham dự lễ dâng hương – Ảnh: TTTĐT Đống Đa

Chùa Láng có tên chữ Hán là Chiêu Thiền Tự, là ngôi chùa cổ ở làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 – 1175) và là ngôi chùa thờ Đệ Tam Thánh Tổ Lý triều Quốc sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân hóa thác của Người là Đức vua Lý Thần Tông.

Chùa Láng nằm trong khuôn viên với diện tích 17.917m2. Quy mô của chùa Láng gồm 100 gian lớn nhỏ, cổng chùa (Tam Quan) phảng phất hơi hướng nghi môn của cung vua phủ chúa thời Lê Trung Hưng, bao gồm bốn cột vuông với ba mái nhỏ uốn cong gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, phía dưới có đôi voi phục hai bên. Hoành phi chính giữa cổng đề 4 chữ “Thiền Thiên Khải Thánh” (Trời thiền sinh Thánh), bên phải đề “Tuệ Nhật”, bên trái đề “Từ Vân”.

Lãnh đạo quận Đống Đa và phường Láng Thượng đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Chùa Láng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Ảnh: CGTĐTTP

Giá trị kiến trúc nổi bật của ngôi chùa cổ này chính là nhà Bát Giác hay còn gọi là nhà Bảo Cái. Đây là nơi đặt kiệu Thánh vào trước ngày hội, nằm ở giữa sân chùa, kiểu chồng diêm, 2 tầng, 16 mái được lợp ngói vẩy rồng với những đầu đao cong vút, uốn lượn rất thanh thoát. Đỉnh nóc được đắp hoạ tiết 4 con phượng đang múa với đường nét mềm mại. Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn, biểu tượng cho 8 đời vua Lý.

Chùa Láng hiện nay lưu giữ một khối lượng di vật đồ sộ, trong số đó có nhiều di vật quý hiếm có giá trị nghệ thuật cao như: Án Văn chạm rồng thế kỷ XVII, hai cỗ kiệu rước sơn son thiếp vàng chạm rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII. Trong chùa còn có bộ sưu tập tượng tròn lên tới con số 198 pho có kích thước lớn nhỏ, trong đó có 39 pho được tạo tác thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII – XVIII, số còn lại mang phong cách thời Nguyễn. Tọa lạc ở hậu cung là tượng vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) ngồi trên ngai vàng (tạc bằng gỗ mít) và pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài. Hai bức hoành phi treo phía trên có tựa chữ Hán “Lý Triều Thánh Đế” và “Thánh Cung Vạn Tuế”; quả chuông “Đại hồng chung” và một khánh lớn bằng đồng đúc năm 1738 được đặt ở hai lầu gác. Ngoài ra, Chùa Láng còn có 11 đạo Sắc phong niên hiệu Lê – Tây Sơn – Nguyễn phong thần cho Thiền sư Từ Đạo Hạnh, cùng 13 tấm bia đá.

Màn trống hội khai Hội Lễ hội Chùa Láng 2022 – Ảnh: CTTĐT Đống Đa

Theo tập quán từ lâu đời, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch là ngày Tăng Khánh – ngày Thiền Sư họ Từ hóa ở Chùa Thầy, đó cũng là ngày đồng thời Vua Lý Thần Tông được sinh ra, nên ngày này được lấy làm ngày chính Hội chùa Láng và Hội chùa Thầy.

Hội Láng xưa diễn ra trong vòng 10 ngày. Bắt đầu từ ngày 5/3 âm lịch tế Thân Phụ, Thân Mẫu Đức Thánh ở Chùa Nền (Đản cơ Tự), ngày 6/3 âm lịch dân làng Láng lại rước Thánh xuống chùa Tam Huyền thăm cha. Ngày 7/3 âm lịch là chính Hội, năm nào được mùa đời sống khấm khá thì nhân dân tổ chức lễ Rước.

Hội Láng hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu với sự tham gia của 9 làng (gồm 7 làng Tổng Hạ và Làng Thượng Đình, làng Thượng Yên Quyết). Trong lễ hội có rước Đức Thánh họ Từ lên chùa Hoa Lăng thăm Thánh Mẫu và diễn thuật lại sự tích Đức Thánh diệt ác trừ gian trên sông Tô Lịch. Khi kiệu rước từ Chùa Láng ra cổng Cót, kiệu không đi trên cầu mà lội qua sông Tô Lịch gọi là Độ Hà rồi dừng lại trên “Hòn Ngọc” để Hàng Đô chuyển tiếp sang bờ bên sông, có đội múa rồng xung quanh Hòn Ngọc.

Hình ảnh Hội Chùa Láng – Ảnh: CTTĐT Đống Đa

Ngoài các nghi thức tế Lễ, rước Thánh còn tổ chức các tích trò vui như: đấu võ, chọi gà, cờ người, đập niêu đặc biệt có tục thổi cơm thi vừa đi vừa thổi cơm quanh nhà Bát giác, vừa múa hát… Sau lễ rước, từ ngày mùng 8 trở đi các chức sắc, kỳ mục, tư văn phụ lão của xã và ba thôn lần lượt lên tế lễ tại Chùa Nền, Chùa Láng, Đình Ứng Thiên (Láng Hạ). Đây là nét độc đáo Chùa thờ Thánh được coi như Đình chỉ ở Chùa Nền, Chùa Láng mới có. Đến ngày 15 tháng 3 làm lễ giải phục (Giã hội).

Lễ hội Chùa Láng được xem là lễ hội mùa xuân của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch. Lễ hội không chỉ quy tụ người dân địa phương mà còn thu hút nhân dân từ các địa phương khác cùng về tham dự.

Với những giá trị nêu trên, Chùa Láng đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962 và ngày 20 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4611/QĐ- BVHTTDL đưa lễ hội chùa Láng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhật Linh (t/h)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *