Di sản

Lễ hội Đền Hát Môn đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 12/4 (tức mùng 6 tháng Ba âm lịch), huyện Phúc Thọ tổ chức lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2016, kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) […]

Ngày 12/4 (tức mùng 6 tháng Ba âm lịch), huyện Phúc Thọ tổ chức lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2016, kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, những người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40 sau công nguyên. Đền có kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, hệ thống hiện vật phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, trong đó nổi bật là bộ sắc phong thần 22 đạo có niên đại từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn.Năm 2013, Đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

hatmon1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao Bằng công nhận

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống Đền Hát Môn

cho chính quyền địa phương

Lễ hội Đền Hát Môn được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng. Tương truyền, trước khi tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc khi thất bại, Hai Bà đã ghé vào một quán hàng bánh ăn bánh trôi. Từ sự tích này, người dân nơi đây đã có một nghi thức hết sức đặc biệt là dâng bánh trôi lên Hai Bà trong ngày hội. Đã là người làng Hát Môn, từ Tết Nguyên đán đến trước sáng ngày sáu tháng ba âm lịch, mọi người kiêng không ăn bánh trôi. Việc làm bánh trôi dâng lên Hai Bà Trưng được tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, chọn lựa gia đình vẹn toàn làm bánh dâng lên Hai Bà. Cho đến sáng ngày sáu tháng Ba, sau khi làm đại lễ dâng hai đĩa bánh trôi cúng Hai Bà, các gia đình mới cúng bánh trôi lễ tổ tiên trong gia đình. Và đến chiều hôm đó, các gia đình mới làm đại tiệc, mời khách đến ăn bánh trôi tại nhà mình.

hatmon2

            Nghi thức rước bánh trôi trong lễ hội truyền thống Đền Hát Môn

Ngoài ra, lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát Môn còn có nhiều nghi lễ độc đáo khác. Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 19/1/2016, lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc đền Hát Môn là Di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội tại đây trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là vinh dự đối với người dân xã Hát Môn. Thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ tập trung triển khai thực hiện chỉnh trang đền Hát Môn, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan di tích của nhân dân cả nước.

                                                                                           Minh Thắng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *