Các loại hình khác

Lễ hội Đền Thượng

​Đền Thượng thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, nơi hợp lưu giữa sông Nậm Thi và sông Hồng. Đền được lập nên để thờ Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo), người đã có công ba lần đánh thắng quân Nguyên.

​Di tích Đền Thượng gắn liền với địa đầu Tổ quốc, nơi con đường huyết mạch trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng,  ý nghĩa  là cột mốc đặc biệt về lịch sử, văn hóa, góp phần khẳng định lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của người Việt Nam ở phía Bắc Tổ quốc.
Khác với lễ hội ở các di tích là nơi thờ Trần Hưng Đạo, như ở Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), hay ở Thiên Trường (Nam Định), … đền Thượng ngoài ngày lễ chính là ngày 20 tháng 8 Âm lịch (ngày kỵ của Đức thánh Trần), từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1991) đến nay, vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm đều tổ chức lễ hội, với những hoạt động phong phú và đặc sắc. Lễ hội Đền Thượng được kết cấu làm hai phần: phần "lễ" và phần "hội". Phần lễ bao gồm có khai hội với tiếng trống hội rộn rã uy nghiêm của nghi thức hướng về cội nguồn. Sau phần khai hội, là lễ rước kiệu Đức Thánh Trần, được tổ chức một cách trang trọng, từ sân hội chính, trước cửa đền, lên sân chính của đền. Tại đây, Chủ tế cùng khách thập phương dự Hội, nghe đọc văn tế và làm lễ dâng hương nhớ về công lao của Ngài đối với đất nước. Sau phần dâng hương, các đại biểu trồng cây lưu niệm tại vườn Thuỷ Vỹ với ý nghĩa Tết trồng cây đầu năm.
Phần hội luôn được thay đổi cho phù hợp với nét mới trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí mang đậm phong cách dân gian. Các hình thức tổ chức truyền thống, được duy trì thường xuyên tại Lễ hội, gồm: vật dân tộc, kéo co, đẩy gậy, ném còn, cờ tướng, bắn nỏ, chọi gà… Không chỉ các phường, xã của thành phố, mà 8 huyện khác còn lại trong tỉnh cũng háo hức, hồ hởi đến dự hội xuân, tham gia triển lãm giới thiệu các sản vật và các trò chơi, các hoạt động văn nghệ dân gian đặc sắc. Ngoài ra, các hoạt động khác cũng đem lại nhiều bất ngờ thú vị như "hội thi nhà nông đua tài", "hội thi đồ xôi", "thi đội kèn pí lè"… của các xã như Đồng Tuyển, Cam Đường, Hợp Thành…  Phần văn nghệ chào mừng, ngoài đoàn chủ nhà Lào Cai, luôn có sự giao lưu với các đoàn nghệ thuật ở trong và ngời nước: đoàn nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh, đoàn văn nghệ của huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)… Những hình ảnh đặc sắc về thành tựu kinh tế – xã hội quảng bá cho tuyến du lịch về cội nguồn, về thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội Lào Cai, và sự hợp tác kinh tế – văn hóa với tỉnh bạn Vân Nam (Trung Quốc)… còn được thể hiện tại khu trưng bày đã trở thành truyền thống của hội xuân đền Thượng. 
Đến với lễ hội đền Thượng, du khách không chỉ hòa mình với không gian văn hóa của lễ hội, mà còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng chỉ ở lễ hội Đền Thượng mới có, mang đậm nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của Lào Cai như: thắng cố, cơm lam, xôi bảy màu, thịt trâu khô…
Lễ hội đền Thượng là nét đẹp của văn hoá truyền thống của người dân Lào Cai. Hội xuân Ðền Thượng không chỉ là điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn, mà đã trở thành "thương hiệu" nổi tiếng của du lịch Lào Cai trong hành trình du lịch hướng về với cội nguồn dân tộc. ​

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *